Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ ba

 

Đệ tam hội

Nếu mà cóc, Tội ắt đã không, pháp học lại thông.
Gìn tính sáng, mựa lạc tà đạo. Sửa mình học, cho phải chính tông.
Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ. 
Vong tài đuổi sắc, ắt tìm cho phải thói Bàng công.
Áng tư tài, tính sáng chẳng tham, há vì ở Cánh Diều Yên Tử. 
Răn thanh sắc, niềm đình chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Ðông.
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc. 
Sơn lâm chẳng cóc, hoạ kia thực cả đồ công.
Nguyền mong thân cận minh sư, quả bồ đề một đêm mà chín. 
Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa ưu đàm mấy kiếp đơm bông.

Đọc nôm và chú thích

Nếu mà cóc (1), Tội ắt đã không, pháp học (2) lại thông.
1) Cóc: Biết, hay (Từ Điển từ Việt cổ).
2) Pháp học: Phương pháp tu học hàng ngày.

Gìn (3) tính sáng (4), mựa (5) lạc tà đạo (6), Sửa (7) mình học (8), cho phải chính tông (9).
3) Gìn: Giữ, bảo hộ (Từ Điển từ Việt cổ).
4) Tính sáng: Phật tính sáng rõ, do từ ngữ Phật giáo “Minh tâm kiến tính”, tức “gột bỏ tất cả mọi tạp niệm trần tục, thông suốt triệt để hiểu rõ vì tạp niệm mà đánh mất bản tính (Phật tính), làm sáng lòng mới rõ được Phật tính” 明心見性,佛教語。謂屏棄世俗一切雜念,徹悟因雜念而迷失了的本性(即佛性)  
(Tân Hoa Tự Điển online) .
5) Mựa: Chớ (Từ Điển từ Việt cổ).
6) Tà đạo: Không đi đúng đường học Phật, không theo đúng lời dạy bảo của Phật Thích Ca.
7) Sửa: Tu sửa, sửa đổi, sửa chữa.
8) Mình học: Những điều học hỏi của mình.
9) Chính tông: Chính thống (Thuật ngữ Phật giáo) a) Phật pháp truyền từ đời Thích Ca trở xuống, b) Thiền tông gọi thiền phái do sơ tổ Đạt Ma sáng lập là phái thiền chính thống, chính gốc (Phật Quang Đại Từ Điển).

Chỉn (10) Bụt là lòng (11), xá (12) ướm hỏi đòi (13) cơ (14) Mã Tổ (15). Vong tài (16) đuổi sắc (17), ắt tìm cho phải thói (18) Bàng công (19).
10) Chỉn: Chỉ (Từ Điển từ Việt cổ).
11) Chỉn Bụt là lòng: Xem Mã Tổ (15)
12) Xá: Hãy, nên (Từ Điển từ cổ).
13) Đòi: Theo (Từ Điển từ cổ).
14) Cơ: Cách, chìa khóa, then chốt, cơ chế, công việc, phương sách, phương tiện, dụng cụ (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
15) Mã Tổ: Thiền sư Mã Tổ (709-788), còn gọi là Mã Tổ Đạo Nhất, nổi tiếng đời Đường, thuộc dòng thiền Tào Khê, thường dùng “Tức Tâm Thị Phật” 即心是佛 (Chính cái tâm này là Phật) và “Bình thường tâm thị đạo” 平常心是道 (Tâm bình thường là đạo) để hành thiền và dạy dỗ môn sinh. Là môn đệ và người đắc pháp duy nhất của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Sư có rất nhiều môn đệ đắc đạo không kém uy dũng như Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện, Đại Mai Pháp Thường, Đại Chu Huệ Hải. Sau Lục tổ Huệ Năng, Sư là người đã đem lại cho Thiền Trung Quốc một sắc thái đặc biệt. Sư chuyên sử dụng những phương pháp quái dị để dạy học trò như hét, im lặng, dựng chổi phất, hay thình lình đánh gậy. Có khi Sư xô học trò xuống đất, vặn mũi bứt tai, tung ra những câu hỏi bất ngờ và cho những câu trả lời mâu thuẫn. Mục đích của mọi hành động đó là nhằm kéo thiền sinh ra khỏi mọi thói quen lý luận, dùng những cú sốc mạnh mẽ để giúp học trò thoát khỏi vòng vây bọc của khái niệm để có một kinh nghiệm trực tiếp của giác ngộ. Sức giáo hoá của Sư mãnh liệt tới mức để lại được 139 đệ tử được truyền ấn (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
16) Vong tài: Quên, không màng tới tiền bạc, của cải; tài: của cải, tiền bạc.
17) Đuổi sắc: Xua đuổi cảnh sắc, hình tướng, sắc đẹp.
18) Thói: Phong cách.
19) Bàng công: Bàng Uẩn (?-807), tên tự là Đạo Huyền, trong các sách viết về đạo Phật gọi là Cư sĩ Bàng Uẩn, người huyện Hành Dương, tỉnh Hồ Nam, học trò của Mã Tổ, giòng dõi nhà Nho, sau nối nghiệp Mã Tổ. Sách thiền thời Nam Tống ghi lại Bàng Uẩn không tham nhà cao cửa rộng, đem của cải, vàng bạc châu báu đổ xuống hồ Động Đình, từ đó sinh sống trong cảnh thanh bần (tham khảo 禪宗頌古聯珠通集)

Áng (20) tư tài (21), tính sáng (22) chẳng tham, há vì ở Cánh Diều Yên Tử Răn (23) thanh sắc (24), niềm (25) đình (26) chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn non Đông.
20) Áng: Đám, làm thành một đám
21) Tư tài: Tiền bạc, của cải.
22) Sáng: Sáng rõ
23) Răn: Biết để tránh, cai, chừa, từ bỏ, cấm.
24) Thanh sắc: Hai trong sáu tặc (Lục tặc: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
25) Niềm: Niệm
26) Đình: Dừng, ngừng, đứng lại.

Trần tục mà nên (27), phúc ấy càng yêu hết tấc (28), Sơn lâm chẳng cóc (1), họa kia thực cả (29) đồ công (30).
27) Nên: Thành công, đạt được.
28) Hết tấc: hết mực, hết lòng.
29) Cả: To lớn (Từ Điển từ cổ).
30) Đồ công: Mượn ý và chữ trong 4 chữ Hán “Đồ lao vô công” 徒勞無功 có nghĩa là “Uổng công”, “vô ích”.

Nguyền mong thân cận minh sư (31), quả bồ đề một đêm mà chín, Phúc gặp tình cờ (32) tri thức (33), hoa ưu đàm (34) mấy kiếp đơm bông.
31) Minh sư: Mượn ý và chữ Hán Minh sư 明師 nghĩa là thầy giỏi
32) Gặp tình cờ: Không cố tìm mà gặp.
33) Tri thức: (Thuật ngữ Phật giáo) Bạn hữu (Phật Quang Đại Từ Điển).
34) Hoa ưu đàm: Dịch âm chữ Phạn Udumbara, hoa Ưu Đàm Bát La. Chuyện thần thoại Ấn Độ kể rằng hoa này sinh trưởng ở Hy Mã Lạp sơn, 3000 năm mới nở hoa, nở ra xong thì tàn ngay; chỉ việc mới xuất hiện thì đã tan biến ngay rất hiếm gặp (Phật Quang Đại Từ Điển).

(Nguyễn Hữu Vinh đọc nôm và chú thích)

Viết lại bằng tiếng Việt hiện đại

Sống đời vui đạo
Phần 3

Nếu mà biết Tội ắt đã không, pháp học lại thông
Giữ tính sáng, chớ lạc tà đạo Sửa mình học, cho phải chính tông
Bụt chính là lòng, hãy thử hỏi cách tu Mã Tổ Quên tiền đuổi sắc, hẳn tìm cho đúng thói Bàng công
Dồn của cải, tính sáng chẳng tham, chẳng vì ở Cánh Diều Yên Tử Kềm thanh sắc, niệm ngừng chẳng chuyển, cần chi ngồi am Sạn núi Đông
Trần tục mà thành, phúc ấy, càng yêu hết mực Sơn lâm chẳng biết, họa kia, thực rất uổng công
Nguyện mong gần gũi thầy cao, trái bồ đề một đêm mà chín Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa ưu đàm mấy kiếp trổ bông

(Trần Đình Hoành viết lại)

Dịch sang tiếng Anh

Living in the world, joyful in the Way
Part 3

If you know You would have no sin and would understand dharma
Keep the light, don’t go astray to the evil way Correct yourself, in accordance with the right path
Buddha is your heart, check the teaching of Ma-tso Tao-i Ignore money, chase away beauty, learn the true P’ang Yun way
Wealth piled up, the light has no greed, not due to dwelling in Cánh Diều, Yên Tử. Sound and form controlled, all thoughts stop, no need to sit in San Temple on the East Mountain.
Living in the world but enlightened, that blessing, indefinitely loved. Not knowing the mountain way, that harm, such a wasteful life!
Pray to be near a good teacher–the Bodhi fruit may ripen overnight. Be blessed to meet learned friends–udumbara may blossom once in many lifetimes.

(Trần Nhân Tông, founder of Trúc Lâm Zen School Trần Đình Hoành translated)







Comments

Popular posts from this blog

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ mười

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ tư

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ nhất