Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ năm

 


Đệ ngũ hội

Vậy mới hay Bụt ở cung nhà, chẳng phải tìm xa.
Nhân khuy bổn nên ta tìm Bụt
Đến cóc hay chỉn Bụt là ta.
Thiền ngỏ năm câu, nằm nướng trong quê Hà hữu. 
Kinh xem ba bận, ngồi ngơi mé nước Tân La.
Trong đạo nghĩa, khoáng cơ quan, đà đụt lẫn trường Kinh cửa Tổ. Lánh thị phi, ghê thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa.
Ðức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận. 
Ơn Nghiêu khoáng cả, trút toàn thân bỏ việc đã xa.
Áo lẫn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc trải. 
Cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu xoa.
Ngăn bát thức, nén bát phong, càng đè càng bội. 
Lẩy tam huyền, nong tam yếu, một cắt một ma.
Cầm vốn thiếu huyền, xá đàn dấu xoang vô sinh khúc. 
Ðịch chẳng có lỗ, cũng bấm chơi xướng thái bình ca.
Lẩy cội tìm cành, còn khá tiếc Câu Chi trưởng lão. 
Quay đầu chụp bóng, ắt kham cười Diễn Nhã Ðạt Ða.
Lọt khuyên Kim Cương, há mặt hầu thông nên nóng. 
Nuốt bồng lật cức, nào tay phải xước tượng da.

Đọc nôm và chú thích

Cư trần lạc đạo phú
Hội thứ năm

Vậy mới hay Bụt ở cung (1) nhà, chẳng phải tìm xa. Nhân (2) khuy (3) bổn (4) nên ta tìm Bụt.
Đến cóc hay (5) chỉn (6) Bụt là ta (7).

1) Cung: Cong, trong
2) Nhân: Vì (mượn nghĩa chữ Hán 因 Nhân).
3) Khuy: Thiếu (mượn âm và nghĩa chữ Hán 虧 Khuy).
4) Bổn: Cội, gốc rễ (mượn âm và nghĩa chữ Hán 本 Bản).
5) Cóc hay: Hiểu biết (Từ điển từ cổ).
6) Chỉn: Chỉ (Từ Điển từ Việt cổ).
7) Chỉn Bụt là ta: Bụt chính là ta.

Thiền ngỏ (8) năm câu, nằm nướng (9) trong quê Hà hữu (10) Kinh xem ba bận, ngồi ngơi (11) mé nước (12) Tân la (13).
8) Ngỏ: nói ra (Từ điển từ cổ), tỏ bày.
9) Nằm nướng: Nằm chơi, nằm khểnh (Génibrel).
10) Quê Hà hữu: Lấy nghĩa của “Vô hà hữu chi hương” 無何有之鄉 trong bài “Tiêu Dao du” của Trang Tử, nghĩa là một nơi (chốn, chỗ, quê, làng…) không có cái gì cả, làng trống không, chỉ một nơi huyễn ảo, không thật. Nhượng Tống dịch là “làng không có đâu” (cf. Trang Tử Nam Hoa Kinh). 
“Kim tử hữu đại thụ, hoạn kỳ vô dụng, hà bất thụ chi ư vô hà hữu chi hương, quảng mạc chi dã, bàng hoàng hồ vô vi kỳ trắc, tiêu dao hồ tẩm ngoạ kỳ hạ” 今子有大樹,患其無用,何不樹之於無何有之鄉,廣莫之野,彷徨乎無為其側,逍遙乎寢臥其下。 Nay ông (chỉ Huệ Tử) có cây lớn, lo nó vô dụng; sao không trồng nó sang làng trống không, giữa cảnh đồng nội rộng rãi, rồi loanh quanh ta nghỉ ngơi không làm gì bên cạnh, tiêu dao ta nằm khểnh bên dưới. § “Tiêu Dao Du” tiêu biểu cho nhân sinh quan nhàn du, tuyệt đối tự do tự tại của Trang Tử.
11) Ngơi: Nghỉ ngơi.
12) Nước: Chữ Nôm 國 quốc, đọc nghĩa.
13) Tân La: Nước Tân La (Silla) (57 TCN– 935 CN) (phát âm:”ɕilːa”) là một trong Tam Quốc Triều Tiên, và là một trong số các triều đại duy trì liên tục lâu nhất trong lịch sử châu Á. Vương quốc do Phác Hách Cư Thế (Park Hyeokgeose) sáng lập, ông cũng được biết đến với vị thế là người khởi thủy của dòng họ Park (박, 朴, Phác) tại Triều Tiên, tuy nhiên triều đại này lại do gia tộc Kim Gyeongju (김, 金) nắm giữa ngai vàng trong hầu hết 992 năm lịch sử. Ban đầu, Tân La chỉ là một bộ lạc trong liên minh Thìn Hàn (Jinhan), từng liên minh với nhà Đường tại Trung Quốc, Tân La cuối cùng đã chinh phục được Bách Tế (Baekje) vào năm 660 và Cao Câu Ly (Goguryeo) vào năm 668. Về sau, Tân La Thống nhất đã kiểm soát phần lớn bán đảo Triều Tiên, trong khi ở phần phía bắc lại nổi lên Bột Hải (Balhae), một quốc gia kế thừa của Cao Câu Ly. Sau gần 1000 lập quốc, Tân La đã tan rã nhanh chóng vào thời Hậu Tam Quốc, chuyển giao quyền lãnh đạo cho triều đại Cao Ly vào năm 935. Phật giáo chính thức được đưa vào Tân La vào năm 527 dưới thời Pháp Hưng Vương (Beopheung), mặc dù vương quốc đã tiếp xúc với Phật giáo trong hơn một thế kỷ và đức tin này chắc chắn đã xâm nhập vào đời sống tôn giáo của cư dân bản địa. Tầm quan trọng của Phật giáo trong xã hội Tân La và cuối của thời kỳ sơ khởi còn chưa biết rõ. Từ Pháp Hưng Vương cho đến 6 người kế vị sau đó đều nhận tên Phật và tự coi mình là Phật vương.
Giai đoạn cuối của thời kỳ sơ khởi Tân La được xem là một thời kỳ đỉnh cao của Phật giáo, chủ yếu là thờ Phật Di lặc. Một lượng lớn các chùa đã được xây dựng, thường xuyên nhận được trợ giúp tài chính và bảo trợ của các quý tộc, các ngôi chùa nổi bật trong số đó là Hwangnyongsa (Hoàng Long tự), Bulguksa (Phật Quốc tự) và Seokguram (Thạch Quật am). Hwangyongsa đặc biệt nhấn mạnh quyền lực của quân vương và vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ và nâng cao vị thế quốc gia. Ngôi tháp gỗ 9 tầng của chùa, có lẽ là kiến trúc nhân tạo cao nhất tại Đông Á đương thời, là biểu tượng cho 9 quốc gia đã chịu phục tùng Tân La. Silla coi trọng ngôi tháp này, tháp được xây dựng bằng đá và gỗ.
Sau khi thống nhất, Phật giáo đã giảm tầm ảnh hưởng trong chính trị Tân La. Khi đó, các quân vương Tân La đã đưa Nho giáo trở thành tư tưởng chủ đạo trong cách thức trị vì một nhà nước được mở rộng và cũng là để hạn chế quyền lực của các gia đình quý tộc. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn giữa vai trò trung tâm trong xã hội Tân La. Hàng trăm nhà sư Tân La đã sang Đường để tìm hiểu giáo lý và mua sắm các kinh điển Phật giáo.
Bản chất Phật giáo mạnh mẽ của Tân La cũng được phản ánh trong hàng nghìn tượng chạm khắc Phật giáo trên đá, quan trọng nhất là ở Namsan. Ảnh hưởng từ nhà Đường trên các dáng vẻ và cách tạc cũng được thể hiện với các đặc điểm như mặt tượng Phật có hình tròn, đầy đặn, biểu lộ khuôn mặt nghiêm nghị, và vải áo bám vào cơ thể, song vẫn có các yếu tố của văn hóa bản địa. (Tham khảo: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Trong (14) đạo nghĩa (15), khoáng (16) cơ quan (17) , đà (18) đụt (19) lẫn trường kinh (20) cửa tổ (21) Lánh (22) thị phi, ghê (23) thanh sắc (24), ngại (25) chơi bời dặm liễu đường hoa.
14) Trong: Làm cho rõ (Mượn chữ Nôm Trong (phía trong) dùng cho chữ Nôm Trong (rõ, trong suốt)).
15) Đạo nghĩa: Đạo pháp và nghĩa lý của giáo lý đạo Phật.
16) Khoáng: Làm cho rộng hơn, lớn hơn (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
17) Cơ quan: (Thuật ngữ Phật giáo) Cách thức, cơ chế, công việc, phương sách, phương tiện, dụng cụ, động cơ, phương pháp sử dụng trong thiền môn để giúp người thiền sinh cởi mở được những ràng buộc, ví dụ : công án, tiếng la hét, dùng gậy đánh v.v (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
18) Đà: Đã
19) Đụt: Núp vào, chun vào (Đại nam quốc âm tự vị). 20) Trường kinh: Chỉ nơi đọc kinh, niệm kinh, dạy kinh, chùa chiền
21) Cửa tổ: Nơi tu hành của tăng, sư, chùa chiền, tịnh thất.
22) Lánh: Tránh ra, né tránh.
23) Ghê: Sợ.
24) Thanh sắc: (Thuật ngữ Phật giáo) Âm thanh và cảnh sắc là hai trong sáu giặc (Lục tặc: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
25) Ngại: E ngại.

Ðức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền cho thân cận (26). Ơn Nghiêu (27) khoáng (28) cả (29), trút (30) toàn thân bỏ việc đã xa.
26) Thân cận: Gần gủi.
27) Nghiêu: Tên 1 ông vua hiền của Tàu
28) Khoáng: Rộng (Việt Nam Tự Điển).
29) Cả: Lớn (Việt Nam Tự Điển)
30) Trút: sang qua, trút bỏ, vất hết.

Áo lẫn chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc trải (31) Cơm cùng cháo, đói no đòi (32) bữa, dầu bạc (33) dầu xoa (34).
31) Hoặc chằm hoặc trải: Chằm là chằm lại, kết lại, nối lại; Trải là trải ra, rải ra, giăng ra. (Tham khảo: http://tunguyenhoc.blogspot.tw/2012/06/tu-nguyen-cua-cham-va-trai-tran-trong.html ).
32) Đòi: nhiều (Đại nam quốc âm tự vị).
33) Bạc: Trắng (Việt Nam Tự Điển)
34) Xoa: hẩm, cơm xoa: cơm hẩm (Từ điển từ cổ).

Ngăn bát thức (35), nén bát phong (36), càng đè càng bội (37). Lẩy (38) tam huyền (39), nong (40) tam yếu (39), một cắt một ma (41).
35) Bát thức: (Thuật ngữ Phật giáo) Tên gọi sự lập thành lĩnh vực cốt tuỷ và đặc biệt nhất trong giáo lý của Du già hành tông Phật giáo, được biết đến ở Đông Á với tên Pháp tướng tông (法 相) và Duy thức tông (唯識). Theo giáo lý của tông nầy, mỗi chúng sinh đều có 8 lớp thức riêng biệt, năm thức đầu tiên tương ứng với 5 giác quan, thức thứ 6 tương ứng với tâm hay suy nghĩ (thức 意識), thức thứ 7, Mạt na thức (末那識) tương ứng với ý niệm về bản ngã, thức thứ 8 (A- lại-da thức) là kho chứa mọi dấu ấn từ kinh nghiệm của mình (Phật Quang Đại Từ Điển).
36) Bát phong: 八風; S: aṣṭalokadharma; (Thuật ngữ Phật giáo) Nghĩa là tám ngọn gió. Chỉ tám sự việc ràng buộc người vào thế gian, lay chuyển lòng người, đó là: 1./2. Được (利; lợi; s: lābha), mất (衰; suy; s: alābha); 3./4. Vinh (稱; xưng; s: yaśa), nhục (譏; cơ; s: ayaśa); 5./6. Khen (譽; dự; s: praśaṅsa), chê (毀; huỷ; s: nindā); 7./8. Vui (樂; lạc; s: sukha), khổ (苦; khổ; s: duḥkha) (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
37) Bội: Gấp đôi
38) Lẩy: Lảy, tách ra, tẽ ra, lật ra (Lảy bắp ngô lấy hạt), rút ra (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
39) Tam huyền tam yếu: 三玄三要 (Thuật ngữ Phật giáo) Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền 臨濟義玄 đề xướng giáo lý Tam Huyền và Tam Yếu để dẫn dắt môn sinh. Ngài nói rằng “Trong lời nói phải có mối manh của ba cái huyền diệu (Tam huyền), mỗi một mối Huyền diệu đều phải có ba cái Quan trọng (Tam yếu), nhưng không giảng rõ Tam huyền tam yếu là gì (Phật Quang Đại Từ Điển).
40) Nong: Làm cho rộng ra (Việt Nam Tự Điển).
41) Ma: Mài giũa

Cầm (42) vốn thiếu huyền (43), xá (44) đàn dấu (45) xoang (46) vô sinh khúc (47). Ðịch (48) chẳng có lỗ (49), cũng bấm chơi xướng thái bình ca.
42) Cầm: Cây đàn
43) Huyền: Dây đàn, Cầm vốn thiếu huyền: Chữ Hán “Vô huyền cầm” (đàn không dây). Tiêu Thống đời Lương viết Truyện Đào Uyên Minh ghi lại rằng: “Đào Uyên Minh không hiểu về âm nhạc, nhưng có cây đàn không dây, thường ôm gảy đàn này mỗi khi uống rượu”. Người đời sau thường dùng điển tích này chỉ cuộc sống nhàn dật (Hán điển http://www.zdic.net/z/)
44) Xá: Hãy, nên (Từ Điển từ cổ).
45) Dấu: Yêu thích, yêu mến (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
46) Xoang: Đánh đàn (Việt Nam Tự Điển).
47) Vô sinh khúc: Bản nhạc “vô sinh” (Bản nhạc “Không sinh không diệt”)
48) Địch: Một loại nhạc cụ có lỗ như sáo
49) Ðịch () chẳng có lỗ: (Thuật ngữ Phật giáo) Sáo không có lỗ. Thiền tông dùng để chỉ ngộ thiền không thể dùng lời nói hay ý thức diễn tả được. (Phật Quang Đại Từ Điển).

Lẩy (38) cội tìm cành, còn khá tiếc Câu Chi trưởng lão (50). Quay đầu chụp bóng (51), ắt kham (52) cười Diễn Nhã Ðạt Ða (53).
50) Câu Chi: 俱胝 Thiền sư Trung Quốc dòng Mã Tổ Đạo Nhất. Sư nối pháp Thiền sư Hàng Châu Thiên Long. Sử sách không viết gì nhiều về Sư ngoài “Thiền một ngón tay” ( Bích nham lục, Công án 19 và Vô môn quan, công án 3). Tương truyền rằng, hể ai hỏi gì về thiền, Sư chỉ đưa một ngón tay lên. Sự tích Giác ngộ của Sư cũng thuộc vào hạng “độc nhất vô nhị” như ngón tay thiền Sư đã dùng hướng dẫn thiền sinh. Một hôm có vị ni sư tên Thật Tế đến am, đi thẳng vào chẳng cởi nón ra, cầm tích trượng đi quanh giường thiền ba vòng, ni nói: “Nói được thì cởi nón”. Hỏi như thế ba lần, Sư không đáp được. Vị ni sư liền đi ra. Sư bèn mời ở lại nghỉ vì đã chiều. Ni liền nói: “Nói được thì ở lại”. Sư cũng chẳng đáp được. Vị ni sư liền bỏ đi. Sư tự than rằng: “Ta tuy mang hình dáng trượng phu mà không có khí trượng phu”, tự hổ thẹn, quyết làm rõ cho được việc này. Sư dự định bỏ am đi các nơi khác học hỏi, tu luyện nhưng đêm ấy có sơn thần đến mách rằng “Chẳng cần rời chỗ này, ngày mai có nhục thân Bồ Tát đến giảng pháp cho hòa thượng”. Đúng ngày hôm sau có Hoà thượng Thiên Long (nối pháp Đại Mai Pháp Thường) đến am. Nghe Sư thưa rõ việc xong Hoà thượng Thiên long chỉ đưa một ngón tay lên. Hòa thượng không nói gì cả mà chỉ đưa lên một ngón tay, thì tự nhiên Câu Chi Trưởng Lão có cảm tưởng là mình hiểu được nên lạy xuống. Từ đó trở đi mỗi khi học trò hỏi một câu gì thì Câu Chi Trưởng Lão bắt chước thầy đưa một ngón tay lên! Có người thành công, có người thất bại. Trong am của Sư có đứa bé, ra ngoài có người hỏi: “Bình thường Hoà thượng lấy pháp gì dạy người?” Đứa bé cũng đưa một ngón tay lên. Trở về am nó thưa lại, Sư bèn lấy dao chặt ngón tay, đau quá nó chạy kêu khóc. Sư gọi một tiếng, nó quay đầu lại, Sư đưa một ngón tay lên, nó bỗng nhiên tỉnh ngộ. Khi sắp mất, Sư dạy chúng rằng: “Ta được Thiền một ngón tay của Thiên Long, bình sinh dùng chẳng hết, cần hiểu chăng?” Nói xong Sư viên tịch (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
51) Chụp bóng: Chụp bắt cái hình bóng.
52) Kham: Khá, chịu nổi, có sức, chịu được ((Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
53) Diễn Nhã Đạt Đa: Còn gọi là Diên Nhã Đạt Đa, Giê Nhã Đạt Đa, chữ Phạn là Yajadatta. Theo kinh Lăng Nghiêm: Trong thành Thất la có người tên Diễn Nhã Đạt Đa buổi sáng lấy gương soi mặt, nhìn thấy trên đầu mày mặt mình trong gương thì lấy làm vui thích. Quay đầu lại muốn nhìn cái đầu mình thì không thấy được mặt mũi mình nữa, bèn cho là vì ma quỷ đưa đường nên vô cố bỏ chạy.
(Kinh Lăng Nghiêm: Phật dạy: “Này Phú Lâu Na, ông tuy nghi ngờ, các mê lầm chưa hết. Ta nay dùng việc thực tế và hiện tiền trong thế gian để chỉ dạy cho ông hay. Vừa rồi đây, ông có nghe câu chuyện Diễn Nhã Đạt Đa tại thành Thất La không?
 Một buổi sáng nọ chàng ta lấy gương soi mặt, thấy cái đầu mình trong gương. Quay đầu đi thì không thấy đấu mình đâu nữa, bèn lấy làm giận trách cái đầu thiệt của mình đây sao không thấy được mặt mày của mình; hay là vì ma ám? vì thế rồi chàng ta nổi cuồng vùng chạy. Theo ý ông, người này vì cái gì mà nổi cuồng vụt chạy? Phú Lâu Na thưa: Người ấy tự tâm họ cuồng, chớ không có lý do gì khác cả.” (Phật Quang Đại Từ Điển).

Lọt khuyên (54) kim cương (55), há mặt hầu (56) thông (57) nên (58) nóng. Nuốt bồng (59) lật cức (60), nào tay phải xước tượng (61) da.
54) Khuyên: Cái vòng
55) Lọt khuyên kim cương: Xem (*) ở dưới.
56) Hầu: Sắp, gần (Việt Nam Tự Điển).
57) Thông: Chạy suốt được, không tắc (Việt Nam Tự Điển).
58) Nên: Thành ra (Việt Nam Tự Điển).
59) Bồng: Đơn vị dùng để đếm vật họp lại thành từng lùm, từng đám, từng bụi, từng nhóm.
60) Lật: Quả dẻ, cức: cái gai; Nuốt bồng lật cức: Nuốt trái dẻ đầy gai (trái dẻ có nhiều gai mọc ra tua tủa). Xem (*) bên dưới.
(*) “Kim cương khuyên và lật cức bồng” (Thuật ngữ Phật giáo) xuất xứ từ thiền sư Dương Kỳ Phương Hội 楊岐 方會 (996-1049): “Thấu đắc kim cương khuyên. Thôn đắc lật cức bồng”, có nghĩa là “lọt qua được cái vòng kim cương, nuốt được gai võ quả hạt dẻ”. Dương Kỳ thị chúng rằng: “Lọt được cái vòng kim cương Thấu được kim cương khuyên, nuốt được gai võ quả hạt dẻ, liền cùng với chư Phật ở ba đời cùng dắt tay cùng đi, cùng với lịch đại Tổ sư cùng một hổng mũi. Nếu hoặc chưa được như thế, thì tham thiền phải là người thực tham, chứng ngộ phải là người thực chứng ngộ mới được vậy” (Tham khảo: 大正新脩大藏經 第四十八冊 No. 2022《禪林寶訓》CBETA 電子佛典 V1.13 普及版).
Thiền phái Dương Kỳ 楊岐派 là một nhánh của Thiền tông xuất phát từ Thiền sư Dương Kỳ Phương Hội. Phái này được xếp vào Ngũ gia thất tông và là nhánh quan trọng hơn của hai nhánh được phân ra sau Thiền sư Thạch Sương Sở Viên. Nhánh thứ hai là phái Hoàng Long (1002-1069). Rất nhiều vị Thiền sư danh tiếng xuất phát từ phái này như Vô Môn Huệ Khai, Viên Ngộ Khắc Cần. Tại Nhật, phái này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Khi Thiền tông đang trên đường tàn lụi cuối đời Tống thì phái Dương Kỳ trở thành nơi tóm thu của tất cả những hệ phái khác thuộc thiền tông này. Sau khi hoà hợp với Tịnh độ tông (Thiền Tịnh hợp nhất) trong đời Minh thì Thiền tông hiểu theo dạng gốc là “Dĩ tâm truyền tâm” không còn tồn tại tại Trung Quốc nữa (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
61) Tượng: dịch chữ Hán 蓋 Cái, dùng như trợ từ không có ý nghĩa; Xước tượng da: Xước da thịt.

(Nguyễn Hữu Vinh đọc nôm và chú thích)


Viết lại bằng tiếng Việt hiện đại

Sống đời vui đạo
Phần 5

Vậy mới hay Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa
Vì thiếu gốc, nên ta tìm Bụt
Hiểu tới rồi, Bụt chính là ta
Thiền nói năm câu, nằm chơi trong quê làng trống Kinh xem ba bận, ngồi nghỉ tại nước Phật vương
Rõ đạo nghĩa, rộng pháp môn, đã trú nơi trường kinh cửa tổ Tránh thị phi, sợ thanh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa
Đức Bụt từ bi, mong nhiều kiếp nguyền xin gần gũi Ơn Nghiêu rộng lớn, dốc toàn thân bỏ việc đã xa
Áo và chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc vá hoặc cũ Cơm cùng cháo, đói no nhiều bữa, dù trắng dù nguội
Ngăn bát thức, chận bát phong, càng đè càng tăng Khơi tam huyền, nong tam yếu, bên mài bên dũa
Đàn dù không dây, hãy đàn bản không sinh không diệt Địch chẳng có lỗ, cũng bấm chơi bản thái bình ca
Xới gốc tìm cành, đáng tiếc cho Câu Chi trưởng lão Quay đầu chụp bóng, thật đáng cười Diễn Nhã Đạt Đa
Chui vòng kim cương, mặt chẳng vì qua mà nóng Nuốt dẻ đầy gai, tay đâu phải bị xước da

(Trần Đình Hoành viết lại)

Dịch sang tiếng Anh

Living in the world, joyful in the Way
Part 5

So we know Buddha is in the house, no need to search afar
Short of roots, we look for Buddha
Having understood, we are Buddha
Zen, speaking five sentences, we lie playing at home in the empty village Sutras, reading three times, we sit resting in the country of the Buddha King
Keep morality clear, expand training methods, take refuge in the sutra school in the door of the patriarchs. Avoid quarreling, fear sound and form, be afraid of wrongful sexual conduct
Buddha’s virtue is loving kindness, I wish to be near Him in many lifetimes Yao’s grace is immense, I try with all my might to drop the old kingship
Shirt and blanket keep me warm, though old or mended Rice and soup keep me full, though plain or cool
Stopping eight parijnana, suppressing eight winds, the more you press the more they grow Raising three mysteries, enlarging three essentials, you sharpen and you file
Though the lute has no strings, let’s play the no-birth no-death song Though the flute has no holes, let’s do the song of peace
Digging the root to look for the branches, pitiful was Jùzhī Yīzhǐ Turning the head to look for his own image, laughable was Yajadatta
Creeping through the diamond ring, the face is not hot from passing Eating thorny chestnuts, the hands are not scratched from holding

(Trần Nhân Tông, founder of Trúc Lâm Zen School Trần Đình Hoành translated)







Comments

Popular posts from this blog

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ mười

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ tư

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ nhất