Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ hai



Đệ nhị hội

Biết vậy! Miễn được lòng rồi, chẳng còn pháp khác.
Gìn tính sáng, tính mới hầu an. 
Nén niềm vọng, niềm đành chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương. 
Dừng hết tham sân, mới làu lòng mầu viên giác.
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương. 
Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc.
Xét thân tâm, rèn tính thức, há rằng mong quả báo phô khoe. 
Cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay. 
Vận giấy vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quý nữa thiên cung. 
Dầu hay mến thửa nhơn nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.

Đọc nôm và chú thích

Cư trần lạc đạo phú
Hội thứ hai

Biết vậy! Miễn được lòng rồi (1), chẳng còn pháp (2) khác.
1) Lòng rồi: Tâm rỗi, tâm thanh thản, tâm thảnh thơi.
2) Pháp: Phương cách, phương pháp, pháp môn, tập quán, thói quen, điều phải làm; nghề nghiệp, bổn phận, nghĩa vụ, sự thật, thật tại, luật tắc (s: satya) (Từ Điển Phật học Đạo Uyển).

Gìn (3) tính sáng (4), tính mới hầu an. Nén (5) niềm vọng (6), niềm đành (7) chẳng thác (8).
3) Gìn: Giữ, bảo hộ (Từ Điển từ Việt cổ).
4) Tính sáng: Phật tính Sáng rõ, do từ ngữ Phật giáo “Minh tâm kiến tính”, tức “gột bỏ tất cả mọi tạp niệm trần tục, thông suốt triệt để hiểu rõ vì tạp niệm mà đánh mất bản tính (Phật tính), làm sáng lòng mới rõ được Phật tính” 明心見性,佛教語。謂屏棄世俗一切雜念,徹悟因雜念而迷失了的本性(即佛性
5) Nén: Đè nén, ngăn ngừa
6) Niềm vọng: (Thuật ngữ Phật giáo) “Vọng niệm” (chữ Hán), nghịch nghĩa với “Chánh niệm”, Vọng: 妄 (chữ Hán) Điều sai lầm.
7) Đành: Ưng, chịu (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
8) Thác: 錯 (Mượn âm và nghĩa chữ Hán 錯 Thác) sai, không đúng.

Dứt trừ nhân ngã (9), thì ra tướng thực (10) kim cương (11). Dừng hết tham sân (12), mới làu (13) lòng mầu (14) viên giác (15).
9) Nhân ngã: a) Tương quan giữa ta và người, giữa chủ thể và đối tượng, b) Quan niệm (sai lầm về) bản ngã, nghĩa là quan niệm có một cá nhân hiện hữu, một bản ngã tồn tại riêng biệt (Từ điển Phật học Đạo Uyển). Có 5 ngộ nhận liên quan Nhân Ngã a) Pháp thân Như lai tuyệt đối vắng bặt, tựa như hư không, b) Vũ trụ vạn hữu hoàn toàn là không, đến nỗi niết bàn với chân như cũng hoàn toàn là không, thực chất tự không, không có dưới mọi dạng thức, c) Như lai tạng sung mãn hết thảy tánh đức, không hề thêm bớt, d) Toàn bộ nhiễm pháp đều do Như lai tạng mà có, hết thảy nhiễm pháp tịnh pháp không ngoài chân như, e) Do Như lai tạng mà có sinh tử, do Như lai tạng mà được niết bàn (Đại thừa luận khởi tín, Thích Trí Quang dịch giải).
10) Tướng thực:(Thuật ngữ Phật giáo) Bản chất chân thật, lý lẽ bất biến của vạn pháp (Phật Quang Đại Từ Điển).
11) Kim cương: (Thuật ngữ Phật giáo) Một loại đá rất cứng. Trong đạo Phật, Kim Cương là biểu tượng của sự bất hoại, đó là biểu tượng của Chân Như, của tính Không, của thể tính hằng tồn tại của hiện tượng (Từ điển Phật học).
12) Tham sân: (Thuật ngữ Phật giáo) Tham lam và giận dữ (Phật Quang Đại Tự Điển). Ở đây bao gồm Tham, Sân và Si, song vì là văn biền ngẫu song song với câu trên nên chỉ còn Tham Sân.
13) Làu: Làu thông, hiểu thấu suốt, hiểu rõ ràng (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
14) Lòng mầu: (Thuật ngữ Phật giáo) từ chữ Hán “Diệu tâm”, Chân Không, Chân Như, Chân tâm. 妙心: 心體不可思議,故稱妙心。依天台宗之判教,別教係以如來之真心為妙心,圓教則直以凡夫之妄心為妙心。〔圓覺經、天台四教儀、五燈會元卷一〕p2843
15) Viên giác: (Thuật ngữ Phật giáo) Sự giác ngộ tròn đầy, toàn diện, trọn vẹn (Phật Quang Đại Từ Điển).

Tịnh độ là lòng trong sạch (16), chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di Đà là tính sáng soi (17), mựa (18) phải nhọc tìm về Cực Lạc.
16) Tịnh độ: (Thuật ngữ Phật giáo) Cõi Phật, cõi thanh tịnh, cõi trong sạch. Tịnh độ được xem là “hoá thân” của thế giới, là cõi xứ của người tu hành muốn được tái sinh. Tịnh độ được nhắc nhỡ nhiều nhất là cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà Trong nhân gian người ta thường hiểu là 1 nơi có vị trí địa lý nhất định, nhưng thật ra Tịnh độ là 1 dạng của tâm thức giác ngộ, không bị ô nhiễm, trong sạch và vị trí địa lý chỉ có tính chất biểu tượng. (Từ điển Phật học).
17) Di Đà: Phật A Di Đà 阿 彌 陀 danh từ dịch âm từ chữ Amita, dạng viết tắt của hai chữ Phạn (sanskrit) là Amitābha và Amitāyus. Amitābha nghĩa là Vô Lượng Quang, là ánh sáng vô lượng, Amitāyus là Vô Lượng Thọ, là thọ mệnh vô lượng; Theo kinh A Di Đà Phật do Cửu Ma La Thập dịch thì Phật A Di Đà là quang minh vô lượng Phật, là Phật quang minh, sáng rực rỡ vô cùng; cũng là thọ mệnh vô lượng Phật, là đức Phật mệnh thọ vô cùng. Một Phật mà có 2 tên với ý nghĩa khác nhau.
Tính sáng soi là tính chất quang minh, rực rỡ, soi sáng của Phật A Di Đà.
18) Mựa: Chớ (Từ Điển từ Việt cổ).

Xét (19) thân tâm, rèn tính thức (20), há rằng mong quả báo (21) phô khoe. Cầm (22) giới hạnh (23), địch (24) vô thường, nào có sá cầu danh bán chác (25).
19) Xét: Tìm kiếm suy nghĩ kỹ để hiểu biết cho rõ. (Việt Nam Tự Điển)
20) Tính thức: (Thuật ngữ Phật giáo) Bản chất hiểu biết của chúng sinh (Hán Điển online).
21) Quả báo: (Thuật ngữ Phật giáo) Do hành vi (nghiệp) trong quá khứ tạo nên kết quả bây giờ (Phật Quang Đại Từ Điển).
22) Cầm: Dùng nghĩa của chữ Hán Trì 持, như Trì giới, hành trì giới luật.
23) Giới hạnh: Hạnh trì giới, khả năng hành động tuân theo (trì giới) giới luật trong đó thân thể, lời nói, ý thức đều tuỳ thuận theo giới và lễ mà không vi phạm giới luật (Phật Quang Đại Từ Điển). 謂持戒之行為。受持佛陀所制之律法,能隨順戒體,動作身、口、意三業而不違法,稱為戒行。指隨順戒體,在身、語、意三方面都能遵守戒律的行為
24) Địch: (Mượn âm và nghĩa chữ Hán 敵 Địch) Đối phó, chống lại.
25) Chác: Tiếng đệm đi với đôi với đổi, bán, mua, lấy như đổi -chác, bán-chác, tráo-chác, chác-lấy.

Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng (26) chẳng hiềm thửa (27) đắng cay. Vận giấy vận sồi (28), thân căn (29) có ngại chi đen bạc (30).
26) Nghiệp miệng: Khẩu nghiệp, nghiệp do miệng lưỡi gây nên (Thuật ngữ Phật giáo).
27) Thửa: Tiếng thế cho người vật, chỗ, nơi (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
28) Vận giấy vận sồi: Vận: Mặc áo quần. Giấy ở đây là một thứ dùng để che thân làm bằng vỏ cây, sồi là một thứ vãi thô; ăn bận đơn sơ, cũ kỹ.
29) Thân căn: Hình thể, hình hài, thân hình; một trong sáu giác quan (lục căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não) của đạo Phật.
30) Toàn câu ý nói: Miễn có áo quần mà mặc, sá gì đơn sơ, không màu mè.
Nhược (31) chỉn (32) vui bề đạo đức, nửa gian lều quý nữa (33) thiên cung. Dầu (34) hay (35) mến thửa (27) nhân nghì (36), ba phiến ngói yêu hơn lầu gác.
31) Nhược: (Mượn âm và nghĩa chữ Hán 若 Nhược) Nếu.
32) Chỉn: Chỉ (Từ Điển từ Việt cổ).
33) Nữa: Hơn (Từ Điển từ Việt cổ).
34) Dầu: Nếu (Grammaire Annamite suivie d’un vocabulaire par G. Aubaret).
35) Hay: Biết (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
27) Thửa: Xem giải thích ở trên.
36) Nghì: Nghĩa 義 (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

(Nguyễn Hữu Vinh đọc nôm và chú thích)

Viết lại bằng tiếng Việt hiện đại

Sống đời vui đạo
Phần 2

Nên biết Miễn được lòng thiền, chẳng còn pháp khác
Giữ tính sáng, thể tính mới an Kềm vọng niệm, niệm chẳng thể sai
Dứt chấp ngã nhân, thì ra thực tánh kim cương Ngừng tham sân si, mới hiểu diệu tâm đại ngộ
Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương Di Đà là tính sáng soi, khỏi phải mệt tìm về Cực Lạc
Xét thân tâm, rèn tỉnh thức, cần gì chờ quả báo phơi bày Giữ giới hạnh, đấu vô thường, có sá gì bán mua danh lợi
Ăn rau ăn trái, khẩu nghiệp chẳng lo gì đắng cay Mặc áo vải sồi, thân căn có ngại chi đen bạc
Nếu chỉ vui bề đạo đức, nửa gian lều quý hơn thiên cung Nếu biết mến điều nhân nghĩa, ba miếng ngói yêu hơn lầu gác

(Trần Đình Hoành viết lại)

Dịch sang tiếng Anh

Living in the world, joyful in the Way
Part 2

Know that If you have Zen mind, there is no other dharma
Keep the light, then the True Nature is at peace Control false thoughts, then your thoughts can’t be wrong
Stop clinging to the idea of self and others, then the diamond True Nature will appear. Stop greed, anger, and ignorance, then you will understand the enlightened sacred heart.
Pure Land is a pure heart, don’t be doubtful as to search for Western Paradise Amita is the shining quality, don’t tire yourself finding way to Ultimate Bliss
Examine body and mind, forge the awakening ability, no need to wait and see the cause-and-effect law show results Keep the precepts, face non-permanence, no care for buying and selling fame
Eat vegetable and fruit, then the mouth karma worries not about heat and bitterness Wear coarse clothes, then the six senses mind not people changing black and white
If you’re happy with morality, half of a tent is more precious than a castle in heaven If you know love and righteousness, three shingles are more loveable than a mansion

(Trần Nhân Tông, founder of Trúc Lâm Zen School Trần Đình Hoành translated)




Comments

Popular posts from this blog

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ mười

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ tư

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ nhất