Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ bảy

  



Đệ thất hội

Vậy mới hay, Pháp Bụt trọng thay, rèn mới cóc hay.
Vô minh hết, bồ đề thêm sáng. 
Phiền não rồi, đạo đức càng say.
Xem phỏng lòng kinh, lời Bụt thuyết dễ cho thấy dấu. 
Học đòi cơ Tổ, sá thiền không khôn tột biết nay.
Cùng căn bản, tả trần duyên, mựa để mấy hào li đương mặt. 
Ngã thắng tràng, viên tri kiến, chớ cho còn hoạ trữ cong tay.
Buông lửa giác ngộ, đốt hoại bỏ rừng tà ngày trước. 
Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không tính thức thuở nay.
Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo. 
Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.
Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận. 
Ðội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.
Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo. 
Miệng rằng tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.

Đọc nôm và chú thích

Vậy mới hay, Pháp Bụt (1) trọng thay, rèn mới cóc hay (2).
1) Pháp Bụt: Nguyên chữ Hán là 佛法 Phật pháp
2) Cóc hay: Hiểu biết (Từ điển từ cổ).

Vô minh (3) hết, bồ đề (4) thêm sáng. Phiền não rồi (5) , đạo đức càng say.
3) Vô minh: (Thuật ngữ Phật giáo) 無明; Sanskrit: avidyā; dịch âm là A vĩ di; Chỉ sự u mê, không hiểu Tứ diệu đế, Tam bảo (sanskrit: triratna) và nguyên lý Nghiệp (sanskrit: karma). Vô minh là yếu tố đầu tiên trong Mười hai nhân duyên (sanskrit: pratītya-samutpāda), là những nguyên nhân làm con người vướng trong Luân hồi (sanskrit: saṃsāra). Vô minh cũng là một trong ba nhiễm (sanskrit: āśrava), một trong ba Phiền não (sanskrit: kleśa) và khu cuối cùng của mười Trói buộc (sanskrit: saṃyoja- na). Vô minh được xem là gốc của mọi bất thiện trong thế gian và cũng là một đặc tính của Khổ (sanskrit: duḥkha). Đó là tình trạng tâm thức không thấy sự vật “như nó là”, cho ảo giác là sự thật và vì vậy sinh ra Khổ. Vô minh sinh Ái (sanskrit: tṛṣṇā) và đó là yếu tố cơ bản sinh ra sự tái sinh. Theo quan điểm Đại thừa, vì vô minh mà từ tính Không (sankrit: śūnyatā) thoắt sinh ra hiện tượng, làm cho người còn mê lầm tưởng lầm đó là sự thật và không thấy tự tính ( Si). Trong các trường phái Đại thừa, vô minh cũng được hiểu khác nhau. Trung quán tông (sanskrit: mā-dhyamika) cho rằng, vô minh xuất phát từ quan điểm chấp trước tiên thiên của ý thức, và từ đó mà xây dựng lên một thế giới của riêng mình, cho thế giới đó những tính chất của chính mình và ngăn trở không cho con người thấy thế giới đích thật. Vô minh cũng là không thấy thể tính thật sự, và thể tính đó là tính Không. Như thế vô minh có hai khía cạnh: một là nó che đậy thế giới đích thật, hai là nó xây dựng cái ảo, cái giả. Hai mặt này cứ luôn luôn dựa vào nhau. Đối với Kinh lượng bộ (sanskrit: sautrāntika) và Tì-bà-sa bộ (sanskrit: vaibhāṣika) thì vô minh là caách nhìn thế giới sai lạc, cho thế giới là thường còn, mà thế giới có thật chất là vô thường. Vô minh làm cho con người tưởng lầm thế giới có một tự ngã. Theo Duy thức tông thì vô minh là Đảo kiến, cho rằng, thế giới độc lập với ý thức (tâm) mặc dù thế giới và ý thức chỉ là một. (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
4) Bồ đề: (Thuật ngữ Phật giáo) 菩提; Sanskrit: bodhi; dịch nghĩa là Tỉnh thức, Giác ngộ (覺悟); Trong thời Phật giáo nguyên thuỷ, Bồ đề là từ chỉ trạng thái chứng được bốn cấp trong Thánh đạo (sanskrit: āryamārga) bằng cách hành trì 37 Bồ đề Phần (Sanskrit: bodhipākṣika-dharma) và diệt trừ Vô minh, liễu ngộ được Tứ diệu đế. Trong Tiểu thừa (sanskrit: hīnayāna), Bồ đề là chứng được Tứ diệu đế, thoát khổ. Ở đây người ta phân biệt ba giai đoạn: tu và chứng quả Thanh văn thừa (sanskrit: śrāvakayāna), tu và chứng quả Độc giác Phật (sanskrit: pratyekabuddha) và cuối cùng là đạt quả vị Phật tam miệu (sanskrit: samyak-saṃ- buddha), tức là đạt Nhất thiết trí
(sanskrit: sarva- jnatā), có khi gọi là Đại bồ đề (sanskrit: mahābo-dhi). Trong Đại thừa, Bồ đề được hiểu là trí tuệ, nhận ra rằng không có sự sai khác giữa Niết bàn (sanskrit: nirvāṇa) và Luân hồi (s: saṃsāra), giữa khách thể và chủ thể. Bồ đề là chứng được trí Bát nhã (sanskrit: prajnā), nhận ra Phật tính của chính mình hay của muôn loài, nhận ra tính Không của thế gian, nhận biết “sự thật như nó là” (Chân như). Đại thừa phân biệt ra ba loại Bồ đề: giác ngộ cho chính mình (giác ngộ của một vị A la hán), giải thoát cho chúng sinh (giác ngộ của một vị Bồ Tát) và giác ngộ hoàn toàn của một vị Phật. Trong quan điểm này, mỗi trường phái Đại thừa lại có một cách giải thích khác nhau. (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
5) Rồi: Hết, xong, chấm dứt (Génibrel).

Xem phỏng (6) lòng kinh (7), lời Bụt thuyết (8) dễ cho thấy dấu (9). Học đòi (10) cơ (11) tổ, sá (12) thiền không (13) khôn (14) tột (15) biết nay (16).
6) Phỏng: 倣 Làm theo, bắt chước (Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn, Đặng Thế Kiệt, Paris, http://nguyendu.com.free.fr/hanviet/
7) Lòng kinh: Chữ Hán 心經 Tâm kinh, là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (sanskrit: Mahāprajñāpāramitā-hṛdaya-sūtra)
8) Lời Bụt thuyết: Phật thuyết pháp
9) Dấu: Dấu vết, hình vết để ghi nhớ, làm hiệu vd: Đánh dấu (Việt Nam Tự Điển).
10) Đòi: Theo; học đòi: học theo (Từ Điển Từ Cổ).
11) Cơ: Chìa khóa, then chốt, cách thức, cơ chế, công việc, phương sách, phương tiện, dụng cụ, động cơ, phương pháp sử dụng trong thiền môn để giúp thiền sinh cởi mở được những ràng buộc, ví dụ : công án, tiếng la hét, dùng gậy đánh, v.v. (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
12) Sá: Lối đi, đường (không dùng một mình) (Việt Nam Từ Điển).
13) Thiền không: Những giáo lý về “không” trong thiền môn; Sá thiền không: Việc tu học trong cửa thiền.
14) Khôn: Khó (Từ Điển từ Việt cổ).
15) Tột: Thấu đến nơi, đụng đến, cùng rồi (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
16) Nay: Đây, bây giờ, việc này (Tự Điển Chữ Nôm Trich Dẫn).

Cùng (17) căn bản, tả (18) trần duyên, mựa (19) để mấy hào li (20) đương mặt (21). Ngã (22) thắng tràng (23), viên (24) tri kiến (25), chớ cho còn hoạ trữ (26) cong (27) tay.
17) Cùng: Xét cho tới cùng
18) Tả: Rã, rục, rời rã (Việt Nam Tự Điển).
19) Mựa: Chớ (Từ Điển từ Việt cổ).
20) Hào li: Vật rất nhỏ.
21) Đương mặt: Chữ Hán 當面 Đang Diện: Trước mắt.
22) Ngã: Ngã lẽ, rõ lẽ (http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/ )
23) Thắng tràng: (Thuật ngữ Phật giáo) (Sanskrit: Dhvajāgra), còn gọi là Thắng phan 勝幡, cờ mừng chiến thắng (xưa cổ đại Ấn Độ có tục treo cờ để mừng chiến thắng kẻ địch); Kinh Duy Ma Cật có câu: “Chiến thắng 4 loại ma quỷ, Dựng cờ chiến thắng ở đạo tràng.” (Giáng phục tứ chủng ma, Thắng phan kiến đạo tràng) 維摩詰所說經佛道品(大一四‧五四九下):「降伏四種魔,勝幡建道場。」
24) Viên: Làm cho tròn đầy, trọn vẹn.
25) Tri kiến: Điều hiểu biết theo sự suy ngẫm của mình (Phật Quang Đại Từ Điển)
26) Trữ: Giữ (Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn).
27) Cong: Trong

Buông lửa giác ngộ, đốt hoại (28) bỏ rừng tà ngày trước. Cầm kiếm trí tuệ, quét cho không (29) tính thức (30) thuở nay (31).
28) Hoại: Hư, hỏng; Đốt hoại bỏ: Đốt cháy hết.
29) Quét cho không: Quét cho sạch hết.
30) Thức: 識 (Sanskrit: Vijna) Nhận biết bằng phân tích, phân loại đối tượng. Sau này, Duy Thức Tông cho rằng sở dĩ ta nhận biết ngoại cảnh là do Thức biểu hiện vì có sự tác động của ngoại cảnh. Cả Đại Thừa và Tiểu Thừa đều cho rằng có Lục thức là do sự tác động của lục trần vào Lục căn mà ra. (Phật Quang Đại Từ Điển).
31) Thuở nay: Từ trước đến bây giờ

Vâng ơn thánh (32), xót mẹ cha, thờ thầy học đạo. Mến (33) đức Cồ (34), kiêng bùi ngọt, cầm giới (35) ăn chay.
32) Thánh: Chỉ các bậc thánh nhân đạo Khổng
33) Mến: Yêu, ưa, quí (Việt Nam Tự Điển).
34) Đức Cồ: Tức Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Sanskrit: Siddhārtha Gautama) của vị Phật lịch sử Thích Ca Mâu
Ni. Gautama được xem là họ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
35) Cầm giới: Giữ giới, trì giới.

Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận (36). Ðội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay.
36) Thân cận: Chữ Hán 親近, Gần gủi
Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo (37). Miệng rằng tin, lòng lại lỗi (38), vàng ngọc thờ cũng chửa hết ngay.
37) Thảo: Có lòng cung kính, niềm nở. (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
38) Lỗi: Sai phép, trái phép, không giữ đúng (Lỗi hẹn, lỗi lời…) (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

(Nguyễn Hữu Vinh đọc nôm và chú thích)


Viết lại bằng tiếng Việt hiện đại

Sống đời vui đạo
Phần 7

Thế mới biết Phật pháp rất quý, luyện rèn mới hay
Vô minh hết, bồ đề thêm sáng Phiền não ngừng, đạo đức càng say
Tu theo Tâm kinh, lời Phật dạy, dễ nhìn dấu vết Học theo pháp Tổ, Thiền Không khó, vẫn hiểu lúc này
Biết căn bản, hết bụi duyên, chớ để mảnh vụn nào trước mặt Rõ thành bại, trọn tri kiến, đừng để còn giữ họa trong tay
Buông lửa giác ngộ, đốt cho hết rừng tà ngày trước Cầm kiếm trí tuệ, quét cho sạch vọng thức xưa nay
Nhớ ơn thánh, yêu mẹ cha, thờ thầy học đạo Yêu đức Phật, kiêng bùi ngọt, giữ giới ăn chay
Cảm đức từ bi, nhiều kiếp nguyền xin cho thân cận Mang ơn cứu độ, đến nát muôn thân chịu đắng cay
Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương hoa cúng xem còn lòng thảo Miệng nói tin, lòng lại lỗi, vàng ngọc thờ cũng chẳng thể ngay

(Trần Đình Hoành viết lại)


Dịch sang tiếng Anh

Living in the world, Joyful in the Way
Part 7

Thus we know The Buddha’s teachings are precious, only through practicing we understand
Ignorance’s gone, Bodhi shines brighter Affliction stops, morality rises higher
Follow the Heart Sutra, the track of the Buddha’s teachings is easy to see Learn the patriarchs’ way, strenuous Zen Void now becomes knowable
Understand the fundamentals, stop all causal conditions, don’t leave any splinter before you Know success and failure, gain full knowledge, don’t keep harms in your hands
Drop the enlightening flame to burn the evil forest of the past Hold the wisdom sword to sweep off all delusions of the old days
Grateful to Ju saints, loving parents, we revere our teachers to learn the way Loving the Buddha, avoiding indulgences, we keep the fasting rules
Moved by His loving kindness, through many lifetimes we pray to be near Grateful for His liberation, we endure hardship though our body is crushed a thousand times
Keep in mind loyalty, don’t forget the way, offer incense and flower to show your filiality The mouth says “I believe”, the heart commits sin, even gold and jewel offering couldn’t straighten your heart






Comments

Popular posts from this blog

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ mười

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ tư

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ nhất