Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ tư

 



Đệ tứ hội

Tin xem, Miễn cóc một lòng, thì rồi mọi hoặc.
Chuyển tam độc, mới chứng tam thân. 
Ðoạn lục căn, nên trừ lục tặc.
Tìm đường hoán cốt, chỉn xá năng phục dược luyện đan. 
Hỏi pháp chân không, hề chi lánh ngại thanh chấp sắc.
Biết Chân như, tin Bát nhã, chớ còn tìm Phật Tổ Tây Ðông. 
Chứng thật tướng, ngộ vô vi, nào nhọc hỏi kinh Thiền Nam Bắc.
Xem Tam tạng giáo, ắt học đòi Thiền uyển thanh quy. 
Ðốt ngũ phân hương, chẳng tốn đến chiên đàn chiêm bặc.
Tích nhơn nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca. 
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thật ấy là Di Lặc.

Đọc nôm và chú thích

Tin xem, Miễn cóc (1) một lòng (2), thì rồi (3) mọi hoặc (4).
1) Cóc: Biết (Génibrel)
2) Một lòng: Chữ Hán 一心 Nhất tâm, Tập trung toàn tâm toàn ý một cách nhiệt thành, không để cho tán loạn (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
3) Rồi: Hết, xong, chấm dứt (Génibrel).
4) Hoặc: (Thuật ngữ Phật giáo) Mê hoặc, phiền não, trạng thái phiền khổ của thân tâm (Phật Quang Đại Từ Điển).

Chuyển tam độc (5), mới chứng tam thân (6). Ðoạn (7) lục căn (8), nên trừ lục tặc (9).
5) Tam độc: (Thuật ngữ Phật giáo) Ba độc, Hán Việt: Tam độc (三毒); Ba yếu tố chính trói buộc con người vào Luân hồi là Tham dục (貪), Sân hận (瞋) và Ngu si (痴) (Phật Quang Đại Từ Điển).
6) Tam thân: (Thuật ngữ Phật giáo) Chỉ ba loại thân của một vị Phật, theo quan điểm Đại thừa (mahāyāna). Quan điểm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng Phật như Ngài đã xuất hiện trên thế gian để hoằng hoá, tiếp độ chúng sinh chính là biểu hiện của sự Tuyệt đối, của Chân như và Phật có khi hiện thân thành nhiều hình tướng khác nhau chỉ vì lợi ích của chúng sinh. Quan niệm ba thân Phật được nêu ra nhằm nói lên quan điểm đó. Ba thân gồm: 1. Pháp thân (法身; dharmakāya), 2. Báo thân (報身; saṃbhogakāya), 3. Ứng thân (應身; nirmāṇakāya), (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
7) Đoạn: Dứt bỏ (mượn âm và nghĩa chữ Hán Đoạn 斷)
8) Lục căn: (Thuật ngữ Phật giáo) Sáu giác quan của con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não).
9) Lục tặc: (Thuật ngữ Phật giáo) Còn gọi là Lục Trần (sáu trần), là 6 yếu tố: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Tìm đường hoán cốt, chỉn xá (10) năng (11) phục dược (12) luyện đơn (13). Hỏi pháp chân không (14), hề chi lánh (15) ngại thanh (16) chấp sắc (17).
10) Chỉn xá: Xá: Hãy (Từ điển từ cổ), Chỉn xá: Thì hãy.
11) Năng: Đủ sức, đạt được, đạt tới (Giáo Dục Bộ Dị Thể Tự Tự Điển, Bộ giáo dục Đài Loan), siêng, hay, thường hay (Việt Nam tự điển)..
12) Phục dược: Uống thuốc (Mượn âm và nghĩa chữ Hán 服藥)
13) Luyện đơn: Luyện thuốc.
14) Chân không: (Thuật ngữ Phật giáo): 1) Cảnh giới trên hết mọi ý thức sắc tướng, là Niết Bàn của phái Tiểu thừa 2) Là quan niệm của phái Đại thừa về tính Không cho rằng “phi không chi không” là Chân không.
15) Lánh: Tránh ra, né tránh.
16) Ngại thanh: Ngại: Vướng mắc; Ngại thanh: Vướng mắc vào âm thanh; Thanh là 1 trong 6 yếu tố của Lục tặc.
17) Chấp sắc: Chấp: dính mắc; Chấp sắc: Dính mắc vào, chấp nệ vào sắc tướng; Sắc là 1 trong 6 yếu tố của Lục tặc.

Biết chân như (18), tin bát nhã (19), chớ còn tìm Phật Tổ Tây Ðông. 
Chứng thật tướng (20), ngộ vô vi (21), nào nhọc hỏi kinh Thiền Nam Bắc.
18) Chân như: (Thuật ngữ Phật giáo) 真如 tathatā, bhūtatathatā; Một khái niệm quan trọng của Phật giáo Đại thừa, chỉ thể tính tuyệt đối cuối cùng của vạn sự. Chân như chỉ thể tính bất động, thường hằng, nằm ngoài mọi lý luận nhận thức. Chân như nhằm chỉ cái ngược lại của thế giới hiện tượng thuộc thân thuộc tâm. Tri kiến được Chân như tức là Giác ngộ, vượt ra khỏi thế giới nhị nguyên, chứng được cái nhất thể của khách thể và chủ thể. Chân như đồng nghĩa với Như Lai tạng, Phật tính, Pháp thân (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
19) Bát nhã: (Thuật ngữ Phật giáo) 般若; Sankrit: prajnā; danh từ dịch âm, nghĩa là Trí tuệ, Tuệ, Nhận thức; Một khái niệm trung tâm của Phật giáo Đại thừa, chỉ một thứ trí tuệ không phải do suy luận hay kiến thức mà có, mà là thứ trí tuệ chớp nhoáng lúc trực nhận tính Không (sankrit: śūnyatā), là thể tính của vạn sự. Đạt được trí Bát nhã được xem là đồng nghĩa với Giác ngộ và là một trong những yếu tố quan trọng của Phật quả. Bát nhã là một trong những hạnh Ba-la-mật-đa mà một Bồ Tát phải đạt đến (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
20) Thật tướng: (Thuật ngữ Phật giáo) Bản chất chân thật, lý lẽ bất biến của vạn pháp (Phật Quang Đại Từ Điển).
21) Vô vi: (Thuật ngữ Phật giáo) Vô vi (Mượn âm, nghĩa, chữ của chữ Hán 無為), 1. Là không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng, không vì nhân duyên mà sinh ra, đối nghĩa với vô vi là Hữu vi (有爲; saṃskṛta), cũng thường được hiểu là “Không làm”. Trong Phật giáo nguyên thuỷ thì chỉ có Niết bàn được xếp vào hạng vô vi, tất cả các Pháp còn lại đều là hữu vi. Quan niệm này được lưu lại trong Thượng toạ bộ (theravāda) và độc Tử bộ (vātsīputrīya). Tất cả những bộ phái khác đều dần dần thay đổi cách sử dụng danh từ này. Đại chúng bộ chấp nhận 9 pháp vô vi. Pháp Tạng bộ (dharmaguptaka) xếp vào loại vô vi pháp Chân như vào sự “Trường tồn của mọi pháp”. Dưới
“Trường tồn của mọi pháp” họ định nghĩa rằng đặc tính gì không biến đổi của nó (Sự không biến đổi của nó chính là sự biến đổi) và định luật nhân quả (Nghiệp) cũng như một vài trạng thái Định (Từ điển Phật học Đạo Uyển).

Xem Tam tạng (22) giáo (23), ắt học đòi (24) Thiền uyển thanh quy (25). Ðốt ngũ phân hương (26), chẳng tốn đến chiên đàn (27) chiêm bặc (28).
22) Tam tạng: 三藏; Sankrit: tripiṭaka; Là ba phần cốt tuỷ của kinh sách đạo Phật, gồm 1) Kinh tạng (經藏; sankrit: sūtra-piṭaka, 2) Luật tạng (律 藏; sankrit: vinaya), 3) Luận tạng (論藏; sankrit: abhidharma). Kinh tạng gồm các bài giảng của chính đức Phật hoặc các đại đệ tử, chia làm năm bộ: 1) Trường bộ kinh (pali: dīgha-nikāya), 2) Trung bộ kinh (pali: majjhima-nikāya), 3) Tương ưng bộ kinh (pali: saṃyutta-nikāya), 4) Tăng-nhất bộ kinh (pali: aṅguttara-nikāya) và 5) Tiểu bộ kinh (pali: khud- daka-nikāya). Luật tạng chứa đựng lịch sử phát triển của Tăng già (sankrit: saṅgha) cũng như các giới luật của người xuất gia, được xem là tạng sách cổ nhất, ra đời chỉ vài mươi năm sau khi Phật nhập Niết bàn. Luận tạng cũng được gọi chứa đựng các quan niệm đạo Phật về triết học và tâm lý học. Luận tạng được hình thành tương đối trễ, có lẽ là sau khi các trường phái đạo Phật tách nhau mà vì vậy luận tạng không còn giữ tính chất thống nhất, mặc dù sự khác biệt giữa các trường phái không đáng kể (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
23) Giáo: Giáo lý của đạo Phật.
24) Đòi: Theo (Từ điển từ cổ).
25) Thiền uyển thanh quy: Tên sách cổ viết về những quy luật cho tăng, ni và cư sĩ tu trong cũng như ngoài chùa Phật do thiền sư Tông Trách đới nhà Tống soạn xong năm 1103 (Phật Quang Đại Từ Điển). Thiền uyển: Là nơi sinh sống, tu tập của những người theo Thiền tông; Thanh quy: Qui luật cho tăng, ni và cư sĩ tu trong cũng như ngoài chùa Phật (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
26) Ngũ phân hương: (Thuật ngữ Phật giáo) Lấy hương đốt cúng Phật làm tỷ dụ chia ra thành năm loại tâm hương: 1) Hương giới, 2) Hương định, 3) Hương tuệ, 4) Hương giải thoát và 5) Hương tri kiến giải thoát (Phật Quang Đại Từ Điển).
27) Chiên đàn: 栴檀 Phiên âm chữ Candana từ tiếng Phạn và Pāli, là một loại cây có vỏ dùng làm dược thảo, và làm hương đốt (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
28) Chiêm bặc: 薝蔔 Phiên âm tiếng Phạn chữ Campaka, một loài hoa thơm ở Ấn độ. (Tham khảo:
http://www.hanyudazidian.com/bolshaya_kitayskaya_entsiklopediya/page/.373650/)

Tích nhân nghì (29), tu đạo đức, ai hay (30) này (31) chẳng Thích Ca. Cầm (32) giới hạnh (33), đoạn (7) ghen tham, chỉn thật (34) ấy là Di Lặc.
29) Nhân nghì: Nhân và nghĩa.
30) Hay: Biết (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
31) Này: Đây, chốn, nơi.
32) Cầm: Dùng nghĩa của chữ Hán Trì 持, như Trì giới, hành trì giới luật.
33) Giới hạnh: Hạnh trì giới, khả năng hành động tuân theo (trì giới) giới luật trong đó thân thể, lời nói, ý thức đều tuỳ thuận theo giới và lễ mà không vi phạm giới luật (Phật Quang Đại Tự Điển) 謂持戒之行為。受持佛陀所制之律法,能隨順戒體,動作身、口、意三業而不違法,稱為戒行。指隨順戒體,在身、語、意三方面都能遵守戒律的行為.
34) Chỉn thật: Vốn thiệt (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

(Nguyễn Hữu Vinh đọc nôm và chú thích)


nguyên chú

Hỏi: "Chân như là cái gì?"
Đáp: "Trong lóng sáng tròn rực thái hư."
Lại hỏi: "Bát nhã là gì?"
Đáp: "Nguồn gốc trí tuệ tự mình."
Lại hỏi: "Chân Phật là gì?"
Đáp: "Đương cơ đối đáp là ai?"
Lại hỏi: "Chân kinh là gì?"
Đáp: "Đương cơ nêu lên quá rõ ràng."
Lại hỏi: "Thế nào là truyền giao?"
Đáp: "Thầy trò bốn mắt nhìn nhau."
Lại hỏi: "Hiểu ý là thế nào?"
Đáp: "Trở về nguồn gốc không bàn nghĩ.
          Nếu có bàn nghĩ thì sa ngã thôi."

Kệ rằng:
Nó nay chính là ta
Ta nay không là nó
Nếu hay hiểu như vậy
Chân như mới được rõ
Hiểu lòng mình là Phật
Nên gọi rõ đạt chân như
Hiểu lòng mình là Pháp
Nên gọi pháp môn một chữ
Muôn pháp về một
Nên gọi nhất thể Như Lai

Kệ rằng:
Tất cả muôn pháp
Đều tự tâm sinh
Tâm không chỗ sinh
Pháp không chỗ trụ
Nếu hiểu đất lòng
Ứng dụng không ngại
Chẳng gặp thượng căn
Thận trọng chớ hứa

Lại kệ:
Chân như bát nhã tông
Người không ta cũng không
Phật quả hiện vị lai
Tính pháp vốn vẫn chung

Lại nói:
Đường đường mặt mũi thực
Lồ lộ chủ nhân ông
Bao hàm ngoài trời đất
Xuyên suốt giữa biển sông
Lúc dùng thành diệu hữu
Chỗ lặng thật hư không
Người người đều đầy đủ
Vật vật thảy tròn không
Từ nay lĩnh ngộ được
Thôi việc chạy tây đông


(Lê Mạnh Thát dịch, “Toàn tập Trần Nhân Tông”, 
trang 404-405,  NXB TP. Hồ Chí Minh, 1999)



Viết lại bằng tiếng Việt hiện đại


Sống đời vui đạo
Phần 4

Hãy tin, Nếu hiểu một tâm, thì hết phiền não
Chuyển tam độc, mới chứng tam thân Dứt sáu căn, nên trừ sáu cướp
Tìm đường đổi xương, thì hãy siêng uống thuốc luyện đơn Muốn hỏi pháp Không, hề chi tránh vướng thanh chấp sắc
Biết Chân như, tin Bát nhã, chẳng còn tìm Phật tổ Tây Đông Chứng thực tánh, ngộ vô vi, cần gì hỏi kinh Thiền Nam Bắc
Xem ba tàng kinh điển, ắt học theo luật lệ vườn Thiền Đốt tâm hương năm phần, chẳng tốn đến trầm thơm hoa quý
Tích nhân nghĩa, tu đạo đức, ai biết đây chẳng Thích Ca Giữ giới hạnh, dứt ghen tham, chính thật đó là Di Lặc

(Trần Đình Hoành viết lại)

Dịch sang tiếng Anh

Living in the world, joyful in the Way
Part 4

Believe that If you understand one mind, you will no longer suffer delusions
Transform the three poisons, then you may realize three bodies of Buddha Tame the six senses, then you may eliminate the six thieves
Looking for bone-changing ways? Be diligent in making and drinking elixir. Asking about Sunyata? Do not mind avoiding attachment to sound and form.
Understand Tathata, believe in Pragna, don’t keep looking for Buddha in the East or the West. Realize True Nature, understand wo wei, don’t tire yourself asking for Zen sutras in the North or the South.
Reading Three Dharma Baskets, you of course learn to follow the rules of Zen gardens. Burning the five incenses of Dharmakaya, you have no need for chandan or champaca.
Grow love and righteousness, cultivate morality, who knows this is not Sakya? Keep the precepts, stop jealousy and greed, that truly is Maitreya.

(Trần Nhân Tông, founder of Trúc Lâm Zen School Trần Đình Hoành translated)








Comments

Popular posts from this blog

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ mười

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ nhất