giới thiệu


Trần Nhân Tông 
(1258-1308)



Thời đại Lý Trần là một khoảng thời gian huy hoàng trong lịch sử đất nước ta. Đây là 1 giai đoạn lịch sử oai hùng khi Đại Việt chiến thắng 3 lần tấn công liên tiếp của quân Mông cổ. Đây cũng là 1 giai đoạn văn chương Việt Nam phát triển rực rỡ, để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn chương rất có giá trị. Mộc bản khắc lại một phần các tác phẩm văn học thời này đã được khắc in và lưu giữ ở chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang (1). Năm 2012 UNESCO đã chính thức ghi danh mộc bản này vào danh mục Di sản tư liệu ký ức thế giới. 

Trong một phần các mộc bản đó, mộc bản sách Thiền tông bản hạnh có các tác phẩm như: “Cư trần lạc đạo phú”, “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”, “Vịnh Hoa Yên tự phú”. Đó là những tác phẩm văn học thiền tông có giá trị và ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá, giáo dục, xã hội nước ta (2). 

Vua Trần Nhân Tông, tác giả hai bài “Cư trần lạc đạo phú” và “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”, là thi sĩ, là triết gia, là người anh hùng chống ngoại xâm, một nhân vật hiển hách trong lịch sử Việt Nam. Ngài rất sùng đạo Phật, là sơ tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, Ngài đã thể hiện rất sinh động đạo Phật vào cuộc sống, nhập thế một cách tích cực, diệt giặc, cứu đời, mà vẫn an nhiên tự tại, với tâm hồn thanh thoát, không vướng bận. Tinh thần này đã được thể hiện rõ ràng trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo của ngài.

Cư Trần Lạc Đạo Phú thuộc thể văn biền ngẫu có vần, bài có tất cả 10 hội (10 phần). Bài có nhiều từ Việt cổ mà đến nay không ai dùng nữa như những từ: nhẫn, cóc, mựa, chỉn, đòi, han, tua, sá…(3), gây khó khăn cho nhiều người khi đọc, hạn chế khả năng việc tìm hiểu và tiếp cận tinh thần nhập thế tích cực và độc đáo của đạo Phật Việt Nam thời đó. 

Cư Trần Lạc Đạo Phú đã được viết lại từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ và được in ra trong “Tuyển tập Thơ văn Lý Trần”, trong sách của các học giả Đào Duy Anh (4), Lê Mạnh Thát (5), v.v. Tuy nhiên, số lượng sách lưu hành không nhiều, những người tìm đọc gặp khá nhiều trở ngại. 

Nhận thấy việc dịch đọc chữ Nôm ra chữ quốc ngữ còn có nhiều khó khăn, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Vinh, người dịch đọc chữ Nôm ra chữ quốc ngữ ở đây, cố gắng tìm hiểu và đọc lại toàn tác phẩm với chú thích cặn kẽ cho 
 những chữ Nôm cổ, cũng như các điển tích văn học Trung Quốc, hy vọng góp phần vào công việc tìm hiểu bài phú chính xác hơn. 

Sau đó, nhà nghiên cứu Trần Đình Hoành dùng kết quả của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Vinh để viết lại bài phú bằng tiếng Việt hiện đại, tức là tiếng Việt như chúng ta đang dùng ngày nay, để giúp các bạn đọc có thể tiếp nhận bài phú dễ dàng hơn. 

Sau hết, nhà nghiên cứu Trần Đình Hoành dịch sang tiếng Anh. 

Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Vinh và Trần Đình Hoành mong rằng công việc này sẽ giúp quảng bá một áng văn thiền nổi tiếng của tổ sư dòng thiền Trúc Lâm. 

1 tháng 11 năm 2013 
Nguyễn Hữu Vinh, Taipei, Taiwan 
Trần Đình Hoành, Washington DC, USA 




Tham khảo

1) http://disanthegioi.info/ArticleDetail.aspx?articleid=60768&sitepageid=276
2) “Di sản Hán Nôm Việt Nam”, Dẫn luận – Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, 1993.
3) “Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn”, Viện Việt Học, USA, 2009
4) “Chữ nôm, nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến”, Đào Duy Anh, NXB. KHXH, 1975.
5) “Trần Nhân Tông — Con Người và Tác Phẩm”, Lê Mạnh Thát, NXB tp. Hồ Chí Minh, 1999
6) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” , Huình Tịnh Paulus Của, 1896
7) “Thiên Nam Ngữ Lục”, Nguyễn Thị Lâm khảo cứu, phiên âm, chú giải, NXB Đông Tây, 2001.
8) “Từ Điển Từ Việt Cổ”, Nguyễn Ngọc San, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2001.
9) “Grammaire Annamite suivie d’un vocabulaire”, G. Aubaret, Paris
10) 中華民國教育部異體字字典 (Giáo Dục Bộ Dị Thể Tự Tự Điển, Bộ Giáo Dục Đài Loan).
11) “Việt Nam Tự Điển”, Hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội, 1931.
12) “Tân Hoa Tự Điển online”, http://xh.5156edu.com/
13) “Hán Điển online”, http://www.zdic.net/
14) “Từ Điển Phật học Đạo Uyển”, Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu, 2002
15) “Dictionnaire Annamite Française”, J.F.M. Génibrel, 1898, Saigon.
16) “Từ Điển Từ Cổ”, Vương Lộc, NXB Đà Nẵng, 2001.















Comments

Popular posts from this blog

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ mười

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ tư

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ nhất