Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ tám

 

Đệ bát hội

Chưng ấy Chỉn xá tua rèn, chớ nên tuyệt học.
Lay ý thức, chớ chấp chằng chằng. 
Nén niềm vọng, mựa còn xóc xóc.
Công danh mảng đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ. 
Phước tuệ kiêm no, chỉn mới khá nên người thật cóc.
Dựng cầu đò, giồi chiền tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu. 
Cương hỷ xả, nhuyễn từ bi, nội tự tại kinh Lòng hằng đọc.
Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài. 
Ðãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc.
Xem kinh đọc lục, làm cho bằng thửa thấy thửa hay. 
Trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc.
Cùng nơi ngôn cú, chỉn chăng hề một phút ngại lo. 
Rất thửa cơ quan, mựa còn để tám hơi đụt lọt.

Đọc nôm và chú thích

Chưng (1) ấy Chỉn (2) xá tua (3) rèn, chớ nên tuyệt (4) học.
1) Chưng ấy: Chữ biểu thị nguyên nhân, lý do (Từ điển Từ cổ).
2) Chỉn: Vốn, vẫn, chỉ, thật. (Từ điển Từ cổ).
3) Xá tua: Phải (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
4) Tuyệt: Chữ Hán 絕 Tuyệt, tức là bỏ đi, cắt đứt, ngưng, dừng, chấm dứt. (Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn, Đặng Thế Kiệt, Paris)

Lay (5) ý thức, chớ chấp chằng chằng (6). Nén niềm vọng, mựa (7) còn xóc xóc (8).
5) Lay: Lúc lắc, xô qua xô lại. (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
6) Chằng chằng: Khư khư; chấp chằng chằng: giữ khít khao, giữ khư khư (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
7) Mựa: Chớ (Từ Điển từ Việt cổ).
8) Xóc xóc: Làm cho xao động, làm dấy động lên (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

Công danh mảng (9) đắm, ấy toàn là những đứa ngây thơ. Phước tuệ kiêm (10) no (11), chỉn mới khá nên người thật cóc (12).
9) Mảng: Mải, ham (Việt Nam Tự Điển).
10) Kiêm: Gồm (Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn)..
11) No: Đủ (Tự Điển Từ Cổ).
12) Cóc: Biết (Tự Điển Từ Cổ).

Dựng cầu đò (13), giồi (14) chiền tháp (15), ngoại trang nghiêm (16) sự tướng hãy tu. Cương (17) hỷ xả, nhuyễn (18) từ bi, nội tự tại kinh Lòng (19) hằng (20) đọc.
13) Đò: Mượn chữ và nghĩa chữ Hán 渡 Độ, có nghĩa là bến đò, nơi các phương tiện lưu thông đường thuỷ cập bến.
14) Giồi: Trau tría, làm cho trơn láng. (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
15) Chiền tháp: Chùa và tháp
16) Trang nghiêm: (Thuật ngữ Phật giáo): (s: vyūha, alaṃkāra, 莊嚴): theo nguyên ngữ Sanskrit thì từ vyūha có nghĩa là được phối trí một cách tuyệt hảo, còn từ alaṃkāra thì có nghĩa là trang hoàng lộng lẫy. Đặc biệt riêng trong Phật Giáo thì từ trang nghiêm có nghĩa là trang hoàng lộng lẫy quốc độ của Phật hay nơi thuyết pháp. Bên cạnh đó nó còn có nghĩa là chư Phật và Bồ Tát trang sức thân mình bằng phước đức, trí tuệ, v.v. ( Xem: http://rongmotamhon.net/mainpage/tracuu_89167_8.html )
17) Cương: Làm căng to lên (Viêt Nam Tự Điển).
18) Nhuyễn: Làm cho mịn màng (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
19) Kinh lòng: Chữ Hán 心經 Tâm kinh, là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (sanskrit: Mahāprajñāpāramitā-hṛdaya-sūtra)
20) Hằng: Luôn luôn, thường xuyên (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

Rèn lòng làm Bụt, chỉn (21) xá tua (22) một sức giồi mài (23). Ðãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc.
21) Chỉn: Vốn, vẫn, chỉ, thật. (Từ điển Từ cổ).
22) Xá tua: Phải (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
23) Giồi mài: Trau giồi, làm cho trơn láng (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

Xem kinh (24) đọc lục (25), làm cho bằng thửa (26) thấy thửa hay (27). Trọng Bụt tu thân, dùng (28) mựa (29) lỗi (30) một tơ một tóc.
24) Kinh: Những lời Bụt dạy.
25) Lục: Chữ Hán 錄 Lục; Những ghi chép lời dạy của các tổ sư.
26) Thửa: Tiếng thế cho người vật, chỗ, nơi (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị); Thửa thấy: Những điều tai nghe mắt thấy.
27) Hay: Biết (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).; Thửa hay: Những điều hiểu biết.
28) Dùng: Lấy làm vật liệu, phương tiện để nhằm tạo ra cái gì, thực hiện việc gì, sử dụng (http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/D%C3%B9ng ), bằng cách gì.
29) Mựa: Chớ (Từ Điển từ Việt cổ).
30) Lỗi: Sai phép, trái phép, không giữ đúng (Lỗi hẹn, lỗi lời…). (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

Cùng (31) nơi ngôn cú (32), chỉn chăng hề một phút ngại lo. Rất (33) thửa (26) cơ quan (34), mựa (29) còn để tám hơi (35) đụt (36) lọt.
31) Cùng: Xét cho tới cùng, cùng hềt, không còn gì nữa (Việt Nam Tự Điển).
32) Ngôn cú: Ngôn 言 chỉ lời nói, cú 句: chỉ câu văn; Ngôn cú chỉ ngôn từ, sách vở, kinh điển.
33) Rất: Từ chỉ bậc tột, lắm lắm, phần nhiều hơn hết (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), ở đây có nghĩa là: Phải nắm cho vững, hiểu cho rõ, thực hành cho thông suốt.
26) Thửa: Tiếng thế cho người vật, chỗ, nơi (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
34) Cơ quan: (Thuật ngữ Phật giáo) Cách thức, cơ chế, công việc, phương sách, phương tiện, dụng cụ, động cơ, phương pháp sử dụng trong thiền môn để giúp người thiền sinh cởi mở được những ràng buộc, ví dụ : công án, tiếng la hét, dùng gậy đánh v.v (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
29) Mựa: Chớ (Tự Điển Từ Cổ)
35) Tám hơi: (Thuật ngữ Phật giáo) Chữ Hán 八風 Bát phong; Sanskrit: aṣṭalokadharma; Nghĩa là tám ngọn gió. Chỉ tám sự việc ràng buộc người vào thế gian, lay chuyển lòng người, đó là: 1./2. Được (利; lợi; sanskrit: lābha), mất (衰; suy; sanskrit: alābha); 3./4. Vinh (稱; xưng; sanskrit: yaśa), nhục (譏; cơ; sanskrit: ayaśa); 5./6. Khen (譽; dự; sanskrit: praśaṅsa), chê (毀; huỷ; sanskrit: nindā); 7./8. Vui (樂; lạc; sanskrit: sukha), khổ (苦; khổ; sanskrit: duḥkha). (Từ điển Phật học Đạo Uyển). 
36) Đụt: Núp vào, ẩn núp (Việt Nam Tự Điển).

(Nguyễn Hữu Vinh đọc nôm và chú thích)


Viết lại bằng tiếng Việt hiện đại

Sống đời vui đạo
Phần 8

Vì thế, Chỉ phải luyện rèn, chớ nên bỏ học
Lay ý thức, đừng chấp khăng khăng Bỏ vọng niệm, chớ nhảy xòng xọc
Công danh mê đắm, đó toàn là những kẻ ngây thơ Phước tuệ đầy đủ, vậy mới khá nên người hiểu biết
Xây cầu bến, dựng chùa tháp, trang nghiêm bên ngoài, hãy vậy mà tu Tăng hỉ xả, nhuần từ bi, tự tại bên trong, Tâm Kinh thường đọc
Rèn tâm làm Phật, chỉ phải cố sức giồi mài Đãi cát tìm vàng, còn phải nhiều phen lựa lọc
Xem kinh đọc luận, làm cho bằng những điều thấy biết Trọng Phật tu thân, đừng phạm lỗi dù như tơ tóc
Hiểu rõ câu chữ, chỉ chẳng hề một phút ngại lo Rành mọi pháp tu, chớ còn để bát phong vào lọt

(Trần Đình Hoành viết lại)


Dịch sang tiếng Anh

Living in the world, joyful in the Way
Part 8

Therefore Keep drilling, don’t stop learning
Shake the consciousness, don’t hold on to attachment Drop all delusions, don’t jump around
Craving for power and fame, those are the ignorant Having both blessings and wisdom, those are the wise
Build bridges and piers, raise temples and stupas, hold solemnity outside, practice the way as such Increase mudita and upeksha, master maitri and karuna, stay tranquil inside, read often the Heart Sutra
Forging the heart to be Buddha, one must strive to train hard Sifting the sand to find gold, one must screen and pick many times
Reading the sutras or upadesas, practice what you see and know Respecting the Buddha in training, don’t make mistake even tiny as a hair
Understanding each verse and each word, you would never have to worry Mastering each method, you wouldn’t let the eight winds sneak in

(Trần Nhân Tông, Founder of Trúc Lâm Zen School Trần Đình Hoành translated)








Comments

Popular posts from this blog

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ mười

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ tư

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ nhất