Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ chín

 
Đệ cửu hội

Vậy cho hay Cơ quan tổ giáo, tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang.
Chỉn xá nói từ sau Mã Tổ. Ắt đã quên thuở trước Tiêu Hoàng.
Công đức toàn vô, tính chấp si càng thêm lỗi 
Khuếch nhiên bất thức, tai ngu mắng ắt còn vang.
Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ. 
Thân Bồ Đề, lòng minh kính, bày giơ mặt vách hành lang.
Vương lão chém mèo, rượt trẩy lòng ngừa thủ toạ. 
Thầy Hồ xua chó, trỏ xem trí nhẹ côn sàng.
Chợ Lư Lăng gạo mắc quá ư, chẳng cho mà cả. 
Thửa Thạch Ðầu đá trơn hết tất, khôn đến thưa đang.
Phá Táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần miếu. 
Câu Chi dời ngón, dùng đòi nếp cũ ông ang.
Gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, trước nạp tăng no dầu tự tại. 
Sư tử ông Ðoan, trâu thầy Hựu, răn đàn việt hợm sá nghinh ngang.
Dời phiến tử, cất trúc bề, nghiệm kẻ học cơ quan nhẹ nhẵn. 
Xô hòn cầu, cầm mộc thược, bạn thiền hòa chước móc khoe khoang.
Thuyền tử giơ chèo dòng xanh, chửa cho tạn tẩy. 
Ðạo Ngô múa hốt càn ma, dường thấy quái quang.
Rồng Yển lão nuốt càn khôn, ta xem chỉn lệ. 
Rắn ông Tồn, ngang thế giới, người thấy ắt dang.
Cây bách là lòng, thác ra trước phải phương Thái bạch. 
Bính Đinh thuộc hỏa, lại trở sau ruổi hướng Thiên cang.
Trà Triệu lão, bánh Thiều Dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát. 
Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, chúng nạp tăng những để lưu hoang.
Gieo bó củi, nảy bông đèn, nhân mang mới nết. 
Lộc đào hoa, nghe tiếng trúc, mắc vẻ mà sang.

Đọc nôm và chú thích

Vậy cho hay Cơ quan (1) tổ giáo (2) , tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang.
1) Cơ quan: (Thuật ngữ Phật giáo) Cách thức, cơ chế, công việc, phương sách, phương tiện, dụng cụ, động cơ, phương pháp sử dụng trong thiền môn để giúp người thiền sinh cởi mở được những ràng buộc, ví dụ : công án, tiếng la hét, dùng gậy đánh v.v (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
2) Tổ giáo: Giáo lý, pháp môn của các vị tổ sư:

Chỉn (3) xá (4) nói từ sau Mã Tổ (5). Ắt (6) đã quên thuở trước Tiêu Hoàng (7).
3) Chỉn: Chỉ, vốn (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
4) Xá: Phải, nên, cần thiết (Từ điển từ cổ).
5) Mã Tổ: Thiền sư Mã Tổ (709-788), còn gọi là Mã Tổ Đạo Nhất, nổi tiếng đời Đường, thuộc dòng thiền Tào Khê, thường dùng “Tức Tâm Thị Phật” 即心是佛 (Chính cái tâm này là Phật) và “Bình thường tâm thị đạo” 平常心是道 (Tâm bình thường là đạo) để hành thiền và dạy dỗ môn sinh. Là môn đệ và người đắc pháp duy nhất của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Sư có rất nhiều môn đệ đắc đạo không kém uy dũng như Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện, Đại Mai Pháp Thường, Đại Chu Huệ Hải. Sau Lục tổ Huệ Năng, Sư là người đã đem lại cho Thiền Trung Quốc một sắc thái đặc biệt. Sư chuyên sử dụng những phương pháp quái dị để dạy học trò như hét, im lặng, dựng chổi phất, hay thình lình đánh gậy. Có khi Sư xô học trò xuống đất, vặn mũi bức tai, tung ra những câu hỏi bất ngờ và cho những câu trả lời mâu thuẫn. Mục đích của mọi hành động đó là nhằm kéo thiền sinh ra khỏi mọi thói quen lý luận, dùng những cú sốc mạnh mẽ để giúp học trò thoát khỏi vòng vây bọc của khái niệm để có một kinh nghiệm trực tiếp của giác ngộ. Sức giáo hoá của Sư mãnh liệt tới mức để lại được 139 đệ tử được truyền ấn (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
6) Ắt: Hẳn, chắc (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
7) Tiêu Hoàng: 梁武帝 (464-549) Tiêu Hoàng là vua Lương Vũ Đế , vị vua lập quốc của nhà Lương thuộc Nam triều, Trung quốc. Tên là Tiêu Diễn 蕭衍, tự là Thúc đạt, nên người đời sau gọi là Tiêu hoàng (vua mang họ Tiêu). Trong thời gian ở ngôi, Vũ đế rất sùng đạo Phật và dẹp bỏ đạo Lão. Vũ đế xây hơn 700 ngôi chùa lớn khắp cả nước, số giảng sư tăng ni lên đến cả vạn người. Vua trọn đời chuyên cần nghiên cứu giáo lí Phật giáo, kiên trì giới luật, truyền bá và giảng dạy kinh Phật hết mình. Vua là người đã gặp và đàm đạo với tổ sư Bồ Đề Đạt Ma (Sanskrit: Bodhidharma) khi tổ vừa ở Tây Trúc sang.

Công đức toàn vô (8), tính chấp si càng thêm lỗi (9) Khuếch nhiên bất thức (10), tai ngu mắng (11) ắt còn vang.
8) Công đức toàn vô: Công án thiền “Đạt Ma khuếch nhiên” 達磨廓然, theo sách Ngũ đăng hội Nguyên 五燈會元 thì vào năm 527 Lương Vũ Đế tiếp kiến Bồ Đề Đạt Ma: Vũ Đế: Trẫm từ khi lên ngôi, xây chùa, in kinh sách, dạy dỗ không biết bao nhiêu tăng sư, như vậy ta có được công đức gì? (朕即位以來,造寺寫經,度僧不可勝紀,有何功德) Đạt Ma: Không có công đức gì cả. (Tịnh vô công đức 並無功德) Vũ Đế: “Tại sao không có công đức gì cả.” Đạt Ma: “Bởi vì những việc vua làm là nhân “hữu lậu”, chỉ có những quả nhỏ trong vòng người và trời như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.” (此但人天小果有漏之因,如影隨形,雖有非實) Vũ Đế: “Vậy công đức chân thật là gì?” Đạt Ma: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không tịch lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.” (淨智妙圓,體自空寂,如是功德,不以世求) Vũ Đế: “Thế nào gọi là chân lý linh thiêng cao cả nhất? (如何是聖諦第一義?”) Đạt Ma: “Có cái gì thiêng liêng đâu.” (Khuếch nhiên vô thánh廓然無聖) Vũ Đế: “Ai đang đối diện với trẫm đây?” Đạt Ma: “Tôi không biết.” (Bất thức 不識)
9) Lỗi: Sai lầm, sai phép, trái phép; đều lầm, sự quấy
10) Khuếch nhiên bất thức: Xem công án thiền “Đạt Ma khuếch nhiên” 達磨廓然 (Thuật ngữ Phật giáo) chú thích ở trên (8).
11) Mắng: Nghe (Việt Nam Tự Điển)

Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ (12). Thân Bồ Đề, lòng minh kính, bày giơ mặt vách hành lang (13).
12) Sinh Thiên Trúc, chết Thiếu Lâm, chôn dối chân non Hùng Nhĩ: Câu này nói về tổ Bồ Đề Đạt Ma, sơ tổ của thiền tông Trung Quốc. Ngài sinh ở bên nước Thiên Trúc, chết ở chùa Thiếu Lâm, và chôn sơ sài ở dưới chân núi Hùng Nhĩ.
13) Thân Bồ Đề, lòng minh kính, bày giơ mặt vách hành lang: Câu này nói về tổ thứ sáu Huệ Năng thiền tông Trung quốc. Tổ thứ Năm Hoằng Nhẫn muốn truyền y bát nên triệu tập môn đồ bảo rằng mỗi người làm một bài kệ, nếu ngộ được đại ý, thì sẽ trao truyền y bát cho làm Tổ thứ sáu. Hôm đó thầy Thần Tú trình bài kệ kiến giải của mình viết bày trên vách hành lang của chùa để cho nhiều người đọc được. Bài kệ đó là: Thân thị bồ đề thụ. Tâm như minh kính đài. Thời thời thường phất thức. Mạc sử nhạ trần ai.
Huệ Năng cũng làm 1 bài kệ như sau: Bồ Đề bổn vô thụ, Minh cảnh diệc phi đài. Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai? (Xem http://www.tosuthien.com/kinh-sach/kinh-phap-bao-dan/pham-tua-thu-nhat) Sau đó Huệ Năng được truyền y bát, trở thành tổ thứ 6 của phái Thiền tông Trung Quốc.

Vương lão chém mèo (14), rượt trẩy (15) lòng ngừa (16) thủ toạ (17). Thầy Hồ xua chó (18), trỏ xem (19) trí nhẹ (20) côn sàng (21).
14) Vương lão chém mèo: Do công án thiền “Nam Tuyền trảm miêu” (南泉斬貓) (Thuật ngữ Phật giáo). Vương lão tức là thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện, sinh năm 748, mất năm 834. Nam Tuyền đã đắc pháp từ thiền sư Mã Tổ, giáo hóa ở chùa Nam Tuyền, và là thầy của thiền sư Triệu Châu. Thiền sư Nam Tuyền đã chém một con mèo đứt làm hai khúc để thể hiện cắt đứt chấp kiến về sự tương đối giữa có và không (普願斬貓兒,以示截斷有、無相對之執見). Sách Cảnh Đức truyền đăng lục (景德傳燈錄) quyển thứ 8 ghi rằng: Nam Tuyền (南泉) bắt gặp các môn đệ là các vị thủ tọa trong 2 cư xá, 1 bên Đông và 1 bên Tây của chùa, không biết vì chuyện gì mà tranh giành nhau một con mèo. Thầy nói rằng: “Nói được tại sao tranh giành con mèo thì ta cho, không nói được thì ta chém con mèo thành 2 khúc.” Môn đệ không ai nói được, Nam Tuyền bèn chém đứt đôi con mèo. Vừa lúc sư Triệu Châu (趙州) từ bên ngoài đi vào, nghe chuyện bèn cởi giày để lên đầu và đi ra. Sư Nam Tuyền nói: Nếu thầy lúc đó có mặt ở đó thì đã cứu được con mèo.” (Phật Quang Đại Từ Điển).
15) Rượt trẩy: Đuổi đi.
16) Lòng ngừa: Lòng còn nghi ngờ
17) Thủ tọa: 首座 (Thuật ngữ Phật giáo): Các tăng có địa vị cao trong chùa (
Phật Quang Đại Từ Điển).
18)Thầy Hồ xua chó: Do công án thiền “Lợi Tung cẩu (利蹤狗)”, thầy Hồ tức Tử Hồ Lợi Tung(子湖利蹤 ~ 800-880), thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Nam Tuyền Phổ Nguyện và bạn đồng học với hai vị Triệu Châu Tòng Thẩm và Trường Sa Cảnh Sầm (Từ điển Phật học Đạo Uyển). Sư nổi danh vì tấm bia độc đáo trước am: “Tử Hồ có một con chó, trên cắn đầu người, giữa cắn tim người, dưới cắn chân người, ai suy nghĩ do dự ắt tan thân mất mạng.” Có hai vị tăng thuộc phái Lâm Tế đến am tham vấn, tăng hỏi: “Chó của Tử Hồ là thế nào?”, sư giả giọng chó sủa “Gâu, gâu”. Tăng vừa định vén rèm hỏi, sư nói “Coi chừng chó!”, tăng quay đầu lại, sư lui vào phương trượng không tiếp. (一日上堂示眾曰。子湖有一隻狗。上取人頭。中取人心。下取人足。擬議即喪身失命。僧問。如何是子湖一隻狗。師曰。嗥嗥。臨濟下二僧到參方揭簾。師曰。看 狗。二僧迴顧。師歸方丈。) (Xem http://www.cbeta.org/result/normal/T51/2076_010.htm)
19) Trỏ xem: “Trỏ xem” tức là chứng minh, chỉ cho thấy.
20) Trí nhẹ: Tâm đang còn dở, trí tuệ còn non yếu.
21) Côn sàng: Âm Nôm có thể được đọc là con giàng, con dường, con sàng, côn sàng, v.v.; Con (昆) nếu dùng chữ Nôm có nghĩa là con cái… Nếu dùng theo cách mượn nghĩa chữ Hán thì có nghĩa là cháu, chắt, thuộc hàng cháu chắc; Giàng hay sàng ở đây chưa rõ nghĩa. Theo nghĩa cảnh của toàn câu thì “Côn Sàng” có thể được hiểu là “lớp người về sau, thuộc hàng con cháu, đệ tử…

Chợ Lư Lăng gạo mắc (22) quá ư, chẳng cho mà cả (23). Thửa Thạch Ðầu đá trơn (24) hết tất (25), khôn (26) đến thưa (27) đang (28).
22) Chợ Lư Lăng gạo mắc: Do công án thiền “Lư lăng mễ giá” (廬陵米價), còn gọi là công án thiền “Thanh Nguyên mễ giá” (青原米價). Theo sách “Cảnh Đức Truyền đăng lục (景德傳燈錄) có người hỏi thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư (青原行思), đệ tử của lục tổ Huệ Năng rằng: “Đại ý của Phật pháp là gì?”, thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư đáp: “Giá gạo ngoài chợ Lư Lăng là bao nhiêu”. Trong công án thiền này, thiền sư Thanh Nguyên không trả lời trực tiếp câu hỏi mà hỏi ngược lại giá gạo ngoài chợ Lư Lăng. Và gạo Lư Lăng trở thành một công án, ý sư Thanh Nguyên cho rằng Phật pháp chỉ có người học Phật tự mình chứng nghiệm, không thể cầu cứu từ bên ngoài, là một vấn đề thực nghiệm chứ không phải vấn đề trừu tượng hay chỉ là khái niệm. Sau này công án thiền này trở thành câu nói thường dùng để chỉ Phật pháp không xa lìa cuộc sống thực tế (Phật Quang Đại Từ Điển).
23) Mà cả: Trả giá, mặc cả (Génibrel).
24) Thửa Thạch Ðầu đá trơn: Thửa: Khu, đám . Thửa ruộng, thửa đất. (Việt Nam Tự Điển); Thửa Thạch Ðầu đá trơn: Do công án thiền “Thạch đầu lộ hoạt” (石頭路滑), Thạch Đầu là tên nơi thiền sư Tri Thiên tu hành, tọa lạc trên đầu một tảng đá tại núi Hành Sơn, vì vậy ngài có biệt hiệu là Thạch Đầu, tức là ở chót vót trên một tảng đá lớn. Câu chuyện tham vấn của thiền sư Ẩn Phong (隱峰禪師), vị sư đời Đường, không rõ ngày sinh, ngày mất, là học trò của ngài Nam nhạc, người huyện Thiệu vũ, tỉnh Phúc kiến. Ban đầu, sư tham yết ngài Mã tổ Đạo nhất, không lãnh hội được ý chỉ sâu xa, bèn đến theo học Thạch Đầu Hy Thiên (石頭希遷), sau lại nhờ một câu nói của Mã Tổ Đạo Nhất mà khai ngộ, và trở thành người nối pháp của Mã Tổ. Có lần sư muốn trèo lên núi để tham vấn Hòa Thượng Thạch Đầu, thì bị thiền sư Mã Tổ ngăn lại và nói con đường đá đi lên chỗ ở của thiền sư Thạch Đầu hết sức trơn trợt, rất khó để tới tham vấn và nhận trách nhiệm được trao phó. Mã Tổ: Đi đâu? Ẩn Phong: Đi đến nơi tu của thầy Thạch Đầu Hy Thiên. Mã Tổ: Nơi đó đường đi trơn trợt (Thạch đầu lộ hoạt 石頭路滑) Ẩn Phong: Đem theo gậy gỗ, gặp việc thì tuỳ ứng. Mã Tổ mới cho phép Ẩn Phong đến gặp thiền sư Thạch Đầu cầu đạo. Đến nơi Ẩn Phong đi vòng quanh án thiền của thiền sư Thạch Đầu, nhấc gậy lên hỏi: “Tôn chỉ là gì?” Thạch Đầu không thèm trả lời. Sau 1 hồi lâu mới nói “Trời xanh, trời xanh.” Ẩn Phong không hiểu nổi thiền sư Thạch Đầu muốn nói gì, không đối đáp lại được đành phải trở về thuật chuyện với thiền sư Mã Tổ.
Mã Tổ: Ông hãy đi gặp thiền sư Thạch Đầu lần nữa, hễ Thạch Đầu nói “Trời xanh, trời xanh” thì ông hãy làm vẻ chê bai che miệng kêu “Suỵt, suỵt”. Ẩn Phong đi đến gặp Thạch Đầu lần nữa, và dựa cửa hỏi Thạch Đầu “Tôn chỉ là gì?”. Lần này Thạch Đầu không do dự liền chu miệng: “Suỵt, suỵt.” Ẩn Phong không hiểu gì cả nên đành phải lần nữa ra về thuật chuyện lại với Mã Tổ. Mã Tổ đành an ủi Ẩn Phong rằng “Thạch Đầu nói với ông rằng đường lên Thạch Đầu trơn trợt” (Xem https://www.fgs.org.tw/master/masterA/books/delectus/hsingchantalk/01/01-36.htm)
25) Tất: Rồi, hết. (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
26) Khôn: khó (Việt Nam Tự Điển).
27) Thưa: Tham vấn, Thưa hỏi, Đáp tiếng người khác gọi, Bày tỏ với người trên hay người mình quý trọng (Việt Nam Tự Điển).
28) Đang: Cáng đáng, đảm trách (Việt Nam Tự Điển).

Phá Táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần miếu (29). Câu Chi dời ngón (30), dùng (31) đòi (32) nếp cũ ông ang (33).
29) Phá Táo cất cờ, đạp xuống dấu thiêng thần miếu: Phá Táo Đọa 破 灶墮; Thiền sư Trung Quốc, sinh vào khoảng thế kỷ 7~8, môn đệ của Huệ An Quốc Sư. Huệ An là môn đệ đắc đạo của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn. Sư ẩn cư trong núi Tung Nhạc, không cho ai biết tên họ của mình. Sư có những lời nói và hành động rất kì lạ và đặc biệt. Trong núi có một cái miếu rất linh, dân chúng xa gần mang nhiều lễ vật, giết hại nhiều sinh mạng để cúng tế miếu này. Đặc biệt là trong miếu chỉ thờ một cái bếp lửa (Hỏa táo) Một hôm, Sư vào miếu, lấy gậy gõ vào bếp ba cái và quở: “Ngươi vốn là bùn đất hợp thành, Thánh từ đâu đến, linh từ chỗ nào lại!” Nói xong Sư đập cho ba gậy, bếp liền đổ nhào. Giây lát, có một người mặc áo xanh, đầu đội mũ đến làm lễ trước mặt Sư. Sư hỏi: “Ngươi là ai?”, người lạ đáp: “Con vốn là thần bếp (táo thần) ở đây. Từ lâu chịu nghiệp báo, hôm nay nhờ Thầy thuyết pháp vô sinh nên con được thoát kiếp. Con đến đây để tạ ơn Thầy.” Sư bảo: “Ấy là tính trời sẵn có của ngươi, chẳng phải ta cưỡng ép lời ta.
 Táo thần làm lễ một lần nữa rồi biến mất. Người theo hầu thấy vậy thưa: “Từ lâu con ở bên cạnh Hoà thượng, chưa từng được chỉ dạy. Táo thần có sở đắc gì mà được thoát kiếp?” Sư bảo: “Ta không có đạo lý gì khác để dạy y, chỉ nói với y rằng: “Ngươi vốn là bùn đất hợp thành, thánh từ đâu đến, linh từ chỗ nào lại!” Người theo hầu đứng lặng yên. Sư hỏi: “Hiểu chăng?”, người theo hầu thưa: “Chẳng hiểu.” Sư hỏi: “Tánh bản hữu của hết thảy các pháp tại sao không hiểu?”. Người theo hầu liền cúi xuống lạy Sư. Sư nói: “Bể rồi! Đổ rồi!” (xem “Thiền Luận”, Tập II, Thiền sư D.T. Suzuki)
30) Câu Chi dời ngón: Câu Chi là vị thiền sư bắt chước thầy mình thường hay đưa ngón tay lên khi người ta tham vấn một đề án về thiền. Câu Chi (俱胝) Thiền sư Trung Quốc dòng Mã Tổ Đạo Nhất. Sư nối pháp Thiền sư Hàng Châu Thiên Long. Sử sách không viết gì nhiều về Sư ngoài “Thiền một ngón tay” ( Bích nham lục, Công án 19 và Vô môn quan, công án 3). Tương truyền rằng, hể ai hỏi gì về thiền, Sư chỉ đưa một ngón tay lên. Sự tích Giác ngộ của Sư cũng thuộc vào hạng “độc nhất vô nhị” như ngón tay thiền Sư đã dùng hướng dẫn thiền sinh. Một hôm có vị ni sư tên Thật Tế đến
am, đi thẳng vào chẳng cởi nón ra, cầm tích trượng đi quanh giường thiền ba vòng, ni nói: “Nói được thì cởi nón.” Hỏi như thế ba lần, Sư không đáp được. Vị ni sư liền đi ra. Sư bèn mời ở lại nghỉ vì đã chiều. Ni liền nói: “Nói được thì ở lại.” Sư cũng chẳng đáp được. Vị ni sư liền bỏ đi. Sư tự than rằng: “Ta tuy mang hình dáng trượng phu mà không có khí trượng phu,” tự hổ thẹn, quyết làm rõ cho được việc này. Sư dự định bỏ am đi các nơi khác học hỏi, tu luyện nhưng đêm ấy có sơn thần đến mách rằng “Chẳng cần rời chỗ này, ngày mai có nhục thân Bồ Tát đến giảng pháp cho hòa thượng”. Đúng ngày hôm sau có Hoà thượng Thiên Long (nối pháp Đại Mai Pháp Thường) đến am. Nghe Sư thưa rõ việc xong Hoà thượng Thiên Long chỉ đưa một ngón tay lên. Hòa thượng không nói gì cả mà chỉ đưa lên một ngón tay, thì tự nhiên Câu Chi Trưởng Lão có cảm tưởng là mình hiểu được nên lạy xuống. Từ đó trở đi mỗi khi học trò hỏi một câu gì thì Câu Chi Trưởng Lão bắt chước thầy đưa một ngón tay lên! Có người thành công, có người thất bại. Trong am của Sư có đứa bé, ra ngoài có người hỏi: “Bình thường Hoà thượng lấy pháp gì dạy người?” Đứa bé cũng đưa một ngón tay lên. Trở về am nó thưa lại, Sư bèn lấy dao chặt ngón tay, đau quá nó chạy kêu khóc. Sư gọi một tiếng, nó quay đầu lại, Sư đưa một ngón tay lên, nó bỗng nhiên tỉnh ngộ. Khi sắp mất, Sư dạy chúng rằng: “Ta được Thiền một ngón tay của Thiên Long, bình sinh dùng chẳng hết, cần hiểu chăng?” Nói xong Sư viên tịch (Từ điển Phật học Đạo Uyển). 
31) Dùng: sử dụng, áp dụng. 
32) Đòi: Theo (Từ Điển Từ Cổ). 
33) Ang: Cha (Xem “Phật Thuyết Phụ Mẫu Đại Báo Ân Trọng Kinh”); ông ang: bậc cha ông; Dùng đòi nếp cũ ông ang: Sử dụng theo phương pháp ngày xưa của ông cha để lại.

Gươm Lâm Tế (34), nạng Bí Ma (35), trước nạp tăng (36) no (37) dầu (38) tự tại. Sư tử ông Ðoan (39), trâu thầy Hựu (40), răn đàn việt (41) hợm (42) sá (43) nghinh ngang.
34) Gươm Lâm Tế: Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (787-867) là tổ sáng lập ra phái thiền Lâm Tế, sống vào đời Đường. Sư xuất gia từ thủa nhỏ và rất hâm mộ Thiền tông. Sau khi thụ giới Cụ túc, sư đến Giang Tây tham yết ngài Hoàng Bá Hi vận, sau đó, tham lễ ngài Cao An Đại ngu, ngài Quy Sơn Linh Hựu, v.v., cuối cùng lại trở về Hoàng Bá và được ấn khả. Năm Đại Trung thứ 8 (854) đời vua Tuyên Tông nhà Đường, sư đến trụ ở viện Lâm Tế tại Trấn châu thuộc tỉnh Hà Bắc, đặt ra cơ pháp Tam Huyền Tam Yếu, Tứ Liệu Giản, v.v. để tiếp dắt người học. Khi hướng dẫn người học, sư thường dùng tiếng hét để hiển bày đại cơ đại dụng. Đối với hành giả tham Thiền, sư rất nghiêm khắc, nhưng người học lại theo về rất đông, môn phong hưng thịnh, gây thành 1 phái thiền Lâm Tế nổi tiếng ở Trung Quốc. Sư tịch vào năm 867 Tây lịch, không rõ tuổi thọ (Phật Quang Đại Từ Điển). Người ta nói tiếng hét của thiền sư Lâm Tế có khi như là một tiếng sét, có khi bén như một lưỡi gươm, và tiếng hét của thiền sư Lâm Tế có thể đánh tan được những khối u mê ở trong lòng của chúng ta. Lưỡi gươm của Lâm Tế tức là tiếng hét đó có khi có thể chặt đứt được những sợi dây phiền não, và những ràng buộc vô minh trong lòng chúng ta, cho nên tiếng hét đó gọi là lưỡi gươm Lâm Tế (Thích Nhất Hạnh, xem: http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/kinh-gi-ng/38-truyn-thng-sinh-ng-ca-thin-tp-ii/884-tts-quyn-02-chng-02-2-6-c-trn-lc-o-trai-tim-ca-truc-lam-i-s?showall=&start=10).
35) Nạng Bí Ma: Do công án thiền “Bí Ma kình xoa” (秘魔擎叉). Thiền sư Bí Ma ở Ngũ Đài Sơn thường cầm một cái nạng có chỉa hai. Khi có thiền sinh nào vào tham vấn thì lấy cái nạng cặp vào cổ của thiền sinh! Rồi hét: “Ma quỷ nào đã xúi ông xuất gia, ma quỷ nào đã xúi ông đến đây tham vấn? 
Nói đi, nói không được thì ta mạng cho chết! Mà nói được ta cũng nạng cho chết luôn!” (Xem http://www.book853.com/show.aspx?id=2437&cid=53&page=345)
36) Nạp tăng: Chỉ tăng sư trong chùa.
37) No: Đủ (Từ điển từ cổ).
38) Dầu: Thỏa thuê, tha hồ, tuỳ thích, không bị hạn chế (Từ điển từ cổ).
39) Sư tử ông Đoan: Sư tử ông Đoan tức là sư tử của thiền sư Tây Dư. Thiền sư Tây Dư họ Đoan cho nên gọi là ông Đoan. Thiền sư Tây Dư có một cái nón đan bằng chỉ nhiều màu, giống như một cái đầu sư tử. Thỉnh thoảng ông đội cái nón đó vào, ông làm trò trong khi dạy học trò, nói ta là sư tử. (Xem CBETA Chinese Electronic Tripitaka V1.8, truyện “Tây Dư Đoan thiền sư (西余端禪師傳) , http://www.cbeta.org/result/normal/X73/1449_002.htm)
40) Trâu thầy Hựu: Thầy Hựu tức là tổ của phái Quy Sơn, Quy Sơn Linh Hựu. Quy Sơn Linh Hựu sinh năm 771, mất năm 853. Một hôm thiền sư lên phương trượng và tuyên bố rằng: “Một trăm năm sau tôi sẽ đầu thai làm một con trâu ở dưới núi này.” (Xem mục “Quy Sơn Linh Hựu” (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
41) Đàn việt: 檀越 (Thuật ngữ Phật giáo) Sanskrit: dānapati; 1. Người cúng dường (thí chủ), người làm việc thiện; 2. Tín đồ, người thường cúng dường phẩm vật cho các chùa (Phật Quang Đại Từ Điển).
42) Hợm: Lên mặt, làm bộ. Hợm của, hợm mình (Việt Nam Tự Điển).
43) Sá: Chớ, chẳng (Có kèm ý phủ định) (Từ Điển Từ Cổ).

Dời phiến tử (44), cất trúc bề (45), nghiệm kẻ học cơ quan (1) nhẹ nhẵn (46). Xô hòn cầu (47), cầm mộc thược (48), bạn thiền hòa (49) chước móc (50) khoe khoang.
44) Phiến tử : Cái quạt. Thiền sư Văn Uyển (文偃), phái Vân Môn (雲門), Vân Môn là một trong năm thiền phái ở Trung Quốc, khi thuyết pháp thường cầm một cái quạt giơ lên và nói rằng: “Cái quạt này nó có thể nhảy lên cõi trời thứ 33 và nó đụng vào mũi của vua Đế Thích – Con cá chép ở biển Đông bị đánh một gậy, mưa như chậu đổ. Quí vị có hiểu gì không?
” (Xem: “Khai Ngộ đích nhập khẩu” (開悟的入口) trong “Tinh Vân thiền thoại” (星雲禪話) http://www.merit-times.com.tw/NewsPage.aspx?unid=183871)
45) Trúc bề: 竹篦; Một que trúc dài khoảng 50 cm, hình khom cánh cung, sơn son. Các vị Thiền sư thời xưa thường sử dụng trúc bề để khuyến khích, tiếp dẫn đệ tử. Trong nhiều Công án được lưu lại, trúc bề đóng một vai trò như cây Phất tử. (Đạo Uyển)
46) Nhẵn: Có bề mặt rất trơn, không thô ráp, không gồ ghề
47) Hòn cầu: Trái banh, đồ chơi hình tròn như quả cam, dùng để tung, bắt. Sách Ngũ Đăng Hội Nguyên (五燈會元) chép rằng: Sư Huyền Sa Sư Bị hỏi thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn:” Tôi đi có việc lên chùa, Hòa thượng phải làm sao?
 Tuyết Phong lấy ba trái cầu gỗ ném ra, Huyền Sa làm bộ chẻ gỗ. 雪峰義存禪師傳中提到:「玄沙謂師曰:『某甲如今大用去,和尚作麼生?』師將三個木毬一時拋出,沙作斫牌勢。」
48) Mộc thược: Cái duộc, Cái vá (gáo múc nước) bằng gỗ
49) Thiền hòa 禪和: Tu sinh, thiền giả (Phật Quang Đại Từ Điển).
50) Chước móc: Mưu kế, mưu chước, mưu mô (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

Thuyền tử giơ chèo (51) dòng xanh, chửa cho tạn (52) tẩy (53). Ðạo Ngô múa hốt (54) càn (55) ma, dường thấy quái quang (56).
51) Thuyền Tử giơ chèo: Thuyền Tử (船子), sư đời Đường, tên là Đức Thành (德誠), môn sinh đắc đạo của Dược Sơn Duy Nghiễm (藥山惟儼), theo thầy hơn 30 năm. Thuyền Tử thường dùng thuyền đi lại trên sông để tuỳ duyên giáo hóa cho những người lui tới ở Hoa Đình, Triết Giang. Vì vậy người ta gọi là Thuyền Tử Hoà Thượng (船子和尚). Sau khi truyền pháp được cho thiền sư Thiện Hội (善會禪師) thì tự lật thuyền mà chết. Sư dù là môn sinh đắc pháp của sư Dược Sơn, nhưng tính tình thích ngao du sơn thuỷ (Phật Quang Đại Từ Điển)
52) Tạn: Thấu đến nơi, sát một bên, cùng tột (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị)
53) Tẩy: Rửa, làm cho sạch (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị)
54) Ðạo Ngô múa hốt: Do công án thiền “Đạo Ngô trang quỷ” (道吾裝鬼, Đạo Ngô giả làm ma quỷ). Thiền sư Tam Thánh đến gặp thiền sư Đạo Ngô (道吾), Đạo Ngô biết trước lấy dải lụa đội lên trán, tay cầm gậy đứng chờ ở trước cửa. Tam Thánh nói: Tiếp đón cẩn thận! Sư: “Dạ.” Tam Thánh vào gặp Tri khách xong mới lên yết kiến Ðạo Ngô. Ðạo Ngô đã oai nghi ngồi trong phương trượng. Tam Thánh mới đến gần, Ðạo Ngô nói: 
Có việc có thể hỏi nhau được chăng? Tam Thánh chỉ thần giữ cửa và nói: “Cũng chỉ là thứ chồn rừng (dã hồ tinh) hồi nãy. Cút ngay!” Đạo Ngô biết trước Tam Thánh giỏi trò đối đáp, thiền phong mẫn tiệp, nên giả làm thần giữ cửa (quỷ) để ứng phó. Vì phong cách Tam Thánh cẩn thận nên Đạo Ngô (giả thần giữ cửa) cho vào. Tam Thánh lên điện bái lễ xong, vào phương trượng gặp Đạo Ngô, Đạo Ngô muốn hỏi đạo thì bị Tam Thánh đuổi ra. Tam Thánh biết khi nãy Đạo Ngô giả làm thần giữ cửa nên cười: Đạo Ngô là đồ chồn rừng. (Phật Quang Đại Từ Điển)
55) Càn: Nghĩa chữ Hán chỉ vẻ bề ngoài, giả vờ; Càn ma: giả vờ làm ma quỷ.
56) Quang: Ánh sáng.

Rồng Yển lão (57), nuốt càn khôn, ta xem chỉn (58) lệ (59). Rắn ông Tồn (60), ngang thế giới, người thấy ắt dang (61).
57) Rồng Yển lão: Công án thiền “Vân Môn Trụ Trượng hóa vi long” (雲門拄杖化龍) hay là “Vân Môn trụ trượng tử” (雲門拄杖子). Sơ tổ phái Vân Môn là Vân Môn Văn Yển thiền sư (雲門文偃禪師) đưa cây gậy lên bảo chúng: “Cây gậy đã hóa thành rồng, nuốt trọn cả càn khôn rồi. Sơn hà đại địa, còn đâu mà có nữa?” Công án này giải thích cho rằng “Sơn hà đại địa” cũng không khác gì bản thân” (Phật Quang Đại Từ Điển). Thiền sư Văn Yển nói cái gậy này của tôi là con rồng lớn, nó có thể nuốt được cả trời đất. Ta nhìn cái gậy của thiền sư Văn Yển và thấy đó là một con rồng, có khả năng nuốt trọn cả trời đất cho nên ta rất sợ, tại nó nuốt luôn cả ta! (Thích Nhất Hạnh).
58) Chỉn: Chỉ, vốn, vẫn, thật (Từ Điển Từ Cổ).
59) Lệ: Sợ, ngại (Từ Điển Từ Cổ).
60) Rắn ông Tồn: Công án thiền “Tuyết Phong miết tỳ xà” (雪峰鱉鼻蛇), còn gọi là “Tuyết Phong khán xà (雪峰看蛇). Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn, đời Đường dùng công án này để chỉ ra chỗ mê muội. Một hôm thiền sư dạy chúng rằng: “Ở núi Nam Sơn có một con rắn mũi rùa (鱉鼻蛇), các con phải coi chừng. Trường Khánh nói: “ Hôm nay trong đại sảnh có thể có người mất mạng.” Có ông tăng thuật lại cho Huyền Sa, Huyền Sa nói: “Phải là Lăng huynh thì mới nói như thế được tuy nhiên tôi thì lại không như thế.” Ông tăng hỏi: “ Hòa thượng thì như thế nào?” Huyền Sa nói: “Cần gì phải Nam Sơn.” Vân Môn thì chỉ ném gậy xuống trước mặt Tuyết Phong làm ra vẻ sợ sệt”. (Bích Nham Lục, Hòa Thượng Thích Mãn Giác dịch, Chùa Việt Nam Trung Tâm Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam , USA, 1988. Cả thầy Trường Khánh Huệ Lăng, Huyền Sa Sư Bị và Vân Môn Văn Yển đều là môn sinh của Tuyết Phong, nhưng có cách dạy chúng khác nhau về ý nghĩa của cây chuyện “rắn mũi rùa” này. Rắn mũi rùa chỉ bộ mặt thật (Bổn lai diện mục) hay là chỉ Tuyết Phong, Trường Khánh biểu thị nhận biết về uy lực của rắn, Huyền Sa thì biểu thị nọc độc của rắn có khắp nơi, còn Nghĩa Tồn thì biểu thị sự hiện hữu của con rắn (Phật Quang Đại Từ Điển).
61) Dang: Lui ra, không đến gần, xích ra (Từ Điển Từ Cổ).

Cây bách (62) là lòng , thác (63) ra trước phải phương Thái bạch (64). Bính Đinh thuộc hỏa (65), lại trở sau ruổi hướng Thiên cang (66).
62) Cây bách: Công án thiền “Triệu Châu bách thụ tử” (趙州柏樹子) hay là “Đình tiền bách thụ tử”. Tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?” Sư đáp: “Cây bách trước sân.” Tăng thưa: “Hòa thượng chớ đem cảnh dạy người.” Sư bảo: “Ta chẳng đem cảnh dạy người.” Tăng hỏi lại: “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?”. Sư đáp: “Cây bách trước sân.” (Phật Quang Đại Từ Điển).
63) Thác: Sai, lầm (Việt Nam Tự Điển).
64) Thái Bạch: Sao Kim, sao Kim mọc ở phương Đông gọi là sao Khải Minh (啟明), mọc ở phương tây gọi là sao Trường Canh (長庚); “Thác ra trước phải phương Thái bạch”: Triệu Châu chỉ cây bách trước sân là cốt chỉ tâm, chỉ cái hay thấy của mình. Nhưng người hỏi không nhận ra cái ấy lại lo đi tìm bên nngoài.
65) Bính Đinh thuộc hỏa: (Thuật Ngữ Phật Giáo), do chữ “Bính Đinh đồng tử” (丙丁童子) là chú bé coi về việc đèn lửa trong chùa để ví cho chúng sinh sẵn đủ Phật tính lại đi tìm bên ngoài. Bính và Đinh là hai thiên can Bính, Đinh trong thiên can phối hợp với ngũ hành thì thuộc về hỏa, cho nên dùng Bính Đinh để ví cho lửa. Trong thiền môn thường dùng câu “Chú bé coi về việc đèn đuốc mà đến xin lửa” để ví cho chúng sinh sẵn đủ Phật tính lại đi tìm bên ngoài, quên mất bản tính. Thật là 1 việc làm dư thừa và ngu dại (Phật Quang Đại Từ Điển).
66) Thiên Cang: Sao Thiên Cang (天罡星) là sao chủ chốt của chòm sao Bắc Đẩu, xưa còn gọi là sao Bắc Thần (北辰星); “Bính Đinh thuộc hỏa, lại trở sau ruổi hướng Thiên Cang”. Chú bé coi về việc đèn đuốc mà đi xin lửa, theo hướng sao Bắc Đẩu thì đi lộn đường, có lửa lại đi tìm lửa ở một nơi khác. Ruổi: Chạy mau (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

Trà Triệu lão (67), bánh Thiều Dương (68), bầy thiền tử (69) hãy còn đói khát. Ruộng Tào Khê (70), vườn Thiếu Thất (71), chúng nạp tăng (36) những để lưu hoang (72).
67) Trà Triệu lão: Do công án thiền “Uống trà đi” (沏茶去). Triệu Châu hỏi người mới đến rằng: 
Đã từng đến đây chưa? Đáp: “Đã từng đến.” Sư bảo: “Uống trà đi!” Lại hỏi vị tăng khác, người ấy trả lời: “Chưa từng đến.” Sư bảo: “Uống trà đi!” Về sau, thầy tri sự mới hỏi rằng: “Người đã từng đến ngài cũng bảo là uống trà đi, người chưa từng đến ngài cũng bảo là uống trà đi, vậy là thế nào?” Sư liền gọi thầy tri sự, thầy đáp: “Dạ.” Sư bảo: “Uống trà đi!” “Khiết trà khứ” trở thành một công án Thiền, tìm thấy trong khá nhiều ngữ lục Thiền tông (Phật Học Tinh Tuyển)
68) Bánh Thiều Dương: Do công án thiền “Vân Môn hồ bính (雲門胡餅) hay là Thiều Dương hồ bính (韶陽餬餅), là lời đối đáp của sơ tổ phái Vân Môn với tăng sư khi được hỏi “Thế nào là siêu Phật siêu Tổ?”. Vân Môn trả lời “Bánh bột”. (Phật Quang Đại Từ Điển).
69) Thiền tử: Phật tử, người học thiền, thiền sinh.
70) Ruộng Tào Khê: Tào Khê là địa danh, đạo tràng của Lục Tổ Tuệ Năng. Ruộng Tào Khê biểu trưng cho dòng Thiền do Lục Tổ lập nên và phát huy.
71) Vườn Thiếu Thất: Vườn của Bồ Đề Đạt Ma. Thiếu Thất cũng là địa danh, nơi tổ Bồ Đề Đạt Ma ngồi thiền quay mặt vào vách.
72) Lưu hoang: Để hoang, Bỏ hoang tàn

Gieo bó củi (73), nảy bông đèn (74), nhân (75) mang mới nết (76) Lộc đào hoa (77), nghe tiếng trúc (78), mắc (79) vẻ (80) mà sang (81).
73) Gieo bó củi: Thiền sư Tuyết Phong lúc còn đi tham vấn, đến Động Sơn, Động Sơn bảo: 
Vào cửa phải có lời nói. Sư đáp: Con không có miệng. Động Sơn bảo: Không có miệng phải trả lại con mắt cho ta. Sư im lặng, gieo bó củi trước mặt Động Sơn. Động Sơn hỏi: Nặng bao nhiêu? Sư thưa: Cả thiên hạ nâng không nổi. Động Sơn: Ngươi mang được tới đây. Sư im lặng. (Xem: Đại Chánh Tân tu Đại Tạng Kinh(大正新脩大藏經), phần “Động Sơn Lương Giới ngữ lục” (瑞州洞山良价禪師語錄). http://www.cbeta.org/result/normal/T47/1986b001.htm)
74) Nảy bông đèn: Do công án thiền “Xuy diệt chỉ chúc” (吹滅紙燭), còn gọi là “Long Đàm Chỉ Đăng” hay “Long Đàm Diệt Chúc” nói về việc khai ngộ của thiền sư Đúc Sơn Tuyên Giám (德山宣鑒) (780~865) . Thiền sư họ Chu, thường thuyết giảng kinh Kim Cương, vì thế người đời gọi là Chu Kim Cương, học trò của thiền sư Long Đàm Sùng Tín (龍潭崇信). Một hôm, Sư hầu chuyện với Thiền Sư Long Đàm đến tận khuya. Sau khi dừng chuyện sư Long Đàm bảo: Đêm khuya sao chẳng về?  Sư cúi chào bước ra, rồi lại trở vào thưa: Bên ngoài trời tối đen.  Thiền sư Long Đàm thắp đèn đưa Sư. Sư toan tiếp lấy, sư Long Đàm liền thổi tắt. Sư bỗng nhiên đại ngộ, tất cả kiến chấp đều tan vỡ, Sư liền quì xuống lễ bái. Thiền sư Long Đàm hỏi: Ngươi thấy được gì? Sư thưa: Từ nay về sau con chẳng còn nghi lời nói của chư sư tăng trong thiên hạ. (Phật Quang Đại Từ Điển).
75) Nhân: Vì
76) Nết: Tính hạnh bày ra, cách ăn thói ở (thường hiểu về nghĩa tốt) (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị)
77) Lộc đào hoa: Thiền sư Linh Vân Chí Cần (靈雲志勤); Thiền sư Trung Quốc, môn đệ đắc pháp của Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu. Sư nổi tiếng với một bài kệ tụng, tả lại lúc triệt ngộ khi ngắm hoa đào nở (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
78) Nghe tiếng trúc: Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn (香嚴智閑); Thiền sư Trung Quốc (?-898); ngộ đạo với Quy Sơn Linh Hựu. Câu chuyện “sáng mắt” của Sư được nhắc nhở nhiều trong giới thiền vì nó nêu rõ quan niệm “Bất khả tư nghị” và các phương pháp hoằng hoá đặc biệt của các vị Tổ sư. Trước khi đến Quy Sơn, Sư đã đến học nơi Bách Trượng Hoài Hải, nổi danh là đã nghiên cứu nhiều kinh luận nhưng vẫn không đoạn triệt hồ nghi. Sau khi Bách Trượng mất, Sư đến tham vấn Quy Sơn. Quy Sơn hỏi: “Ta nghe sư đệ ở chỗ Tiên sư Bách Trượng thông minh lanh lợi, nhưng ta không hỏi đệ về chỗ học bình sinh, cũng không hỏi về kinh sách. Giờ đây hãy nói thử một câu khi cha mẹ chưa sinh xem!” Sư mù mịt không biết đâu là đâu bèn rút lui vào phòng, soạn hết sách vở đã học qua nhưng không tìm được câu giải đáp. Sư than “Bánh vẽ chẳng no bụng đói” và đến Quy Sơn xin lời giải. Quy Sơn bảo: “Nếu ta nói sư đệ sau này sư đệ sẽ mắng ta, vì ta nói là việc của ta, liên hệ gì đến sư đệ?”. Sư đem sách vở ra đốt hết, tự nghĩ “Ðời này không học Phật pháp nữa, làm tăng thường lo cơm lo cháo để khỏi nhọc tâm”. Sư từ giã Quy Sơn đi thẳng đến di tích của Quốc sư Nam Dương Huệ Trung, và xây am tại đây. Sư ngày ngày lấy chổi quét dọn sạch mộ của Quốc sư. Một hôm Sư quét lá, một viên sỏi bay đụng vào khóm tre vang lên một tiếng. Sư nghe vậy bỗng nhiên đại ngộ, tìm được câu trả lời Quy Sơn, phá lên cười. Sư trở về am thắp hương hướng về Quy Sơn bái lễ: “Hoà thượng từ bi hơn cha mẹ, khi trước nếu vì ta mà nói thì đâu có ngày nay.” Sư hỏi chúng: “Ví như có người leo cây cao, dưới là vực thẳm. Người ấy miệng ngậm cành cây, chân không đạp chỗ nào, tay không bám vào đâu. Chợt có người đến hỏi ý của Tổ sư từ Ấn Ðộ sang, khi ấy phải làm sao?”. Vị Thượng toạ bước ra thưa: “Chẳng hỏi khi đã leo lên cây, lúc chưa leo lên cây thế nào?” Sư cười rồi thôi (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
79) Mắc: Có việc, dính dấp, vương mang, vương vấn, không rảnh rang (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
80) Vẻ: Những nét bề ngoài nhìn trên đại thể, thường được đánh giá là đẹp của người hay cảnh vật (nói tổng quát), vẻ đẹp, muôn màu muôn vẻ. Cái biểu hiện bên ngoài thông qua nét mặt, cử chỉ, cách nói năng, v.v., cho thấy trạng thái tinh thần, tình cảm bên trong. (Xem http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/V%E1%BA%BB)
81) Sang: Sang trọng

(Nguyễn Hữu Vinh đọc nôm và chú thích)


Viết lại bằng tiếng Việt hiện đại

Sống đời vui đạo
Phần 9

Vậy cho hay Pháp môn các tổ, tuy có nhiều đàng, chẳng cách mấy gang
Chỉ nên nói từ sau Mã tổ Hẳn đã quên chuyện thưở Tiêu Hoàng
Công đức chẳng có, chấp si càng thêm tội Không có gì thiêng, tôi không biết, tai ngu nghe chắc còn vang
Sinh Ấn Độ, chết Thiếu Lâm, chôn sơ chân núi Hùng Nhĩ Thân Bồ Đề, lòng gương sáng, bày giơ mặt vách hành lang
Vương lão chém mèo, rượt đuổi lòng nghi tăng chúng Thầy Hồ xua chó, chỉ ra trí nhẹ cháu con
Chợ Lư Lăng giá gạo quá cao, chẳng cho mặc cả Đỉnh Thạch Đầu đá trơn hết thảy, khó đến hỏi làm
Phá Táo dẹp cờ, đạp xuống dấu thiêng thần miếu Câu Chi chỉ tay, dùng theo cách cũ cha ông
Gươm Lâm Tế, nạng Bí Ma, các tăng xưa thỏa thê tự tại Sư tử ông Đoan, trâu thầy Hựu, dạy tín đồ chẳng được kiêu căng
Dời quạt, giơ gậy, giúp kẻ học thiền trơn tru nhẹ nhỏm Ném hòn cầu, cầm vá gỗ, bạn thiền chẳng tranh mưu kế khoe khoang
Thuyền Tử giơ chèo, dòng xanh vẫn chưa tẩy hết Đạo Ngô múa rối, giả ma vẫn thấy hào quang
Rồng cụ Yển nuốt đất trời, ta xem vẫn sợ Rắn ông Tồn ngang thế giới, người thấy dang xa
Cây bách là tâm, sai trước hết tìm sao Thái Bạch Bính Đinh thuộc hỏa, lại lỗi sau theo hướng Thiên Cang
Trà cụ Triệu, bánh Thiều Dương, bầy thiền sinh vẫn còn đói khát Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu Thất, các sư tăng vẫn để tàn hoang
Ném bó củi, tắt ngọn đèn, nhờ vậy mang thói mới Nhìn hoa đào, nghe tiếng trúc, do vậy được nét sang

(Trần Đình Hoành viết lại)


Dịch sang tiếng Anh

Living in the World, Joyful in the Way
Part 9

Thus we understand The patriarchs’ teachings, although containing many ways, are not so different
We only need to talk about Matsu and later time We probably have forgotten the time of Emporer Xiao Yan
No blessings gained, attachment to ignorance only adds more sins Nothing is sacred, I don’t know, dumb ears probably still hear the resonance
Born in India, dead in Shaolin, buried simply at the foot of Mount Xiong’er Bodhi body, shining-mirror heart, shown full-facedly on the hallway wall
Nanquan Puyuan cut the cat’s tail, chasing away the monks’ doubts Zihu Lizong directed the dog, pointing out progenies’ weak minds
In Luling, the rice price was so high, but no bargain was allowed At Shito, all the rocks were slippery, hard to come to ask or do anything
Pozaoduo put away the flag, crushing the deity’s sacred mark in the joss house Juzhi Yizhi raised a finger, using the ancestral method
Linji sword, Mimo crutch, the monks of the old days were wholly at peace Xiyuduan’s lion, Guishan Lingyou’s buffalo, believers were taught not to be arrogant
Moving the fan, raising the stick, the teachers helped students learn Zen smoothly and easily. Throwing the ball, holding the wooden ladle, Zen friends didn’t compete on boasting stratagems
Chuanzi Decheng moved the paddle, the blue stream hadn’t yet erased him Daowu Yuanzhi played puppet, within the ghost pretension the wonderous light still shone
Yunmen Wenyan’s dragon swallowed heaven and earth, I am still fearful Xuefeng Yicun’s snake lay across the world, people saw and moved away
The white pine is the mind, the first mistake is to seek the Morning Star The lamp boy belongs to fire, the second mistake is to follow the North Star
Zhaozhou Congshen’s tea, Yunmen Wenyan’s cake, Zen students are still hungry and thirsty Caoxi field, Bodhidharma cave, the monks still leave them deserted
Throw down the bundle of firewood, blow out the lamp, that would help you gain new habits. Watch cherry blossoms, listen to bamboo sounds, that would give you the noble aura.

(Trần Nhân Tông, Founder of Trúc Lâm Zen School Trần Đình Hoành translated)







Comments

Popular posts from this blog

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ mười

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ tư

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ nhất