Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ mười

 


Đệ thập hội

Tượng chúng ấy. Cóc một chân không, dùng đòi căn khí.
Nhân lòng ta vướng chấp khôn thông. 
Há cơ tổ nay còn thửa bí.
Chúng Tiểu thừa cóc hay chửa đến, 
Bụt sá ngăn bảo sở hóa thành. 
Ðấng Thượng sĩ chứng thật mà nên, ai ghẽ có sơn lâm thành thị.
Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao. 
Chiền vắng am thanh, chỉn thật cảnh đạo nhân du hí.
Ngựa cao tán cả, Diêm Vương nào kể đứa nghinh ngang. 
Gác ngọc lầu vàng, ngục tốt thiếu chi người yêu quý.
Vững công danh, lồng nhân ngã, thật ấy phàm ngu. 
Say đạo đức, dời thân tâm, định nên thánh trí.
Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt bằng nhau. 
Mặt thánh lòng phàm, thật cách nhẫn vàn vàn thiên lý.
Kệ vân:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, 
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. 
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Đọc nôm và chú thích

Tượng (1) chúng (2) ấy
1) Tượng: Không có ý nghĩa gì, dùng để bắt đầu câu văn và nhấn mạnh hàng chữ sau chữ này, dịch từ chữ Hán Cái (蓋).
2) Chúng: Chúng sinh, đại chúng, nhóm người học theo Phật.

Cóc (3) một chân không (4), dùng (5) đòi (6) căn khí (7).
3) Cóc: Biết (Génibrel)
4) Chân không: (Thuật ngữ Phật giáo): 1) Cảnh giới trên hết mọi ý thức sắc tướng, là Niết Bàn của phái Tiểu thừa 2) Là quan niệm của phái Đại thừa về tính Không cho rằng “phi không chi không” là Chân không (Phật Quang Đại Từ Điển).
5) Dùng: Làm theo, sử dụng, áp dụng
6) Đòi: Theo (Từ Điển từ cổ).
7) Căn khí: (根器) (Thuật ngữ Phật giáo) Căn là rễ cây, rễ cây có khả năng sinh ra thân cây, cành lá và hoa quả; khí là đồ dùng để chứa đồ vật. Đồ dùng có to, nhỏ, nhiều, ít khác nhau. Năng lực của người tu đạo cũng có cao, có thấp; cho nên dùng căn khí để làm ví dụ. Đại nhật kinh sớ, quyển 9 (Đại 39, 671 trung) viết: “Xem chúng sinh, phải lượng định căn khí của họ rồi sau mới độ cho.” (Phật Quang Đại Từ Điển).

Nhân (8) lòng ta vướng chấp khôn (9) thông. Há (10) cơ (11) tổ (12) nay còn thửa bí (13).
8) Nhân: Vì
9) Khôn: Khó (Việt Nam Tự Điển).
10) Há: Lẽ đâu, có lẽ nào (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị)
11) Cơ: (Thuật ngữ Phật giáo) Cách, chìa khóa, then chốt, cơ chế, công việc, phương sách, phương tiện, dụng cụ (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
12) Tổ: Chỉ các bậc thầy, các tổ phái thiền
13) Bí: (秘) Không thông suốt, bế tắc, nghẹt, bít (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

Chúng Tiểu thừa (14) cóc hay (15) chửa đến, Bụt sá (16) ngăn bảo sở (17) hóa thành (18). Đấng Thượng Sĩ (19) chứng thật mà nên, ai ghẽ (20) có sơn lâm thành thị.
14) Tiểu thừa: (Thuật ngữ Phật giáo) (小乘) Sanskrit: hīnayāna; nghĩa là “cỗ xe nhỏ”. Nguyên là danh từ của một số đại biểu phái Đại thừa (sanskrit: mahāyāna) thường dùng chỉ những người theo “Phật giáo nguyên thuỷ”. Biểu thị này được dùng để lăng mạ, chỉ trích. Ngày nay ý nghĩa chê bai của danh từ này đã mất đi và nó chỉ còn có tính chất mô tả. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo có ý định thay thế danh từ này nhưng không đạt kết quả và danh từ này đã khắc sâu trong tư tưởng của nhiều Phật tử. Các đại biểu của Tiểu thừa tự xem mình theo phái Thượng toạ bộ (pali: theravāda), mặc dù Thượng toạ bộ chỉ là một trong những trường phái Tiểu thừa, và là trường phái duy nhất của Tiểu thừa còn tồn tại đến ngày nay. Tiểu thừa cũng được gọi là Nam tông và thịnh hành tại các nước Nam như Tích Lan (śrīlaṅkā), Thái lan, Miến Điện (myanmar), Campuchia, Lào… Tiểu thừa phát triển nhất trong thời gian Đức Phật nhập Niết Bàn và Công nguyên. Đại biểu phái này cho rằng mình theo sát những lời dạy nguyên thuỷ của Đức Phật, do chính Đức Phật nói ra. Giới luật của Tiểu thừa hoàn toàn dựa vào Luật tạng. Trong A tì đạt ma Tiểu thừa dựa trên Kinh tạng để phân tích và hệ thống hoá giáo lý của Phật. Tiểu thừa tập trung tuyệt đối vào con đường đi đến giải thoát. Các lý luận triết học không đóng vai trò quan trọng, thậm chí được xem là trở ngại trên đường giải thoát. Tiểu thừa phân tích rõ trạng thái của đời sống con người, bản chất sự vật, cơ cấu của chấp ngã và chỉ ra phương pháp giải thoát khỏi sự Khổ (sanskrit: duḥkha). Tất cả các trường phái Tiểu thừa đều có một quan điểm chung về sự vật đang hiện hữu: khổ có thật, phải giải thoát khỏi cái Khổ. Giải thoát khỏi Luân hồi (sanskrit: saṃsāra), thoát khỏi sự tái sinh và đạt Niết bàn (sanskrit: nirvāṇa) là mục đích cao nhất của Tiểu thừa. Muốn đạt được mục đích này, hành giả phải dựa vào sức mình, xa lánh thế gian. Vì vậy Tiểu thừa quan niệm phải sống viễn ly, sống cuộc đời của một kẻ tu hành. Đối với Tiểu thừa, cuộc sống tại gia không thể nào đưa đến sự giải thoát. Hình ảnh tiêu biểu của Tiểu thừa là A-la-hán (sanskrit: arhat), là người dựa vào tự lực để giải thoát. Tiểu thừa tránh không đưa lý thuyết gì về Niết bàn, mục đích cuối cùng, là kinh nghiệm của sự giác ngộ, trong đó, hành giả chứng được vô ngã và từ bỏ tham ái. Đối với Tiểu thừa, Phật là một nhân vật lịch sử, được xem là một con người và thầy dạy, không phải là Hoá thân của một thật thể nào. Giáo pháp cơ bản của Tiểu thừa gồm có Tứ diệu đế, Mười hai nhân duyên (sanskrit: pratītya-samutpāda), thuyết Vô ngã (sanskrit: anātman) và luật Nhân quả, Nghiệp (sanskrit: karma). Phép tu hành của Tiểu thừa dựa trên Bát chánh đạo. Theo quan điểm của Đại thừa, sở dĩ phái này được gọi là “tiểu thừa” vì ngược lại với chủ trương của Đại thừa là nhằm đưa tất cả loài Hữu tình đến giác ngộ, phái tiểu thừa chỉ quan tâm đến sự giác ngộ của cá nhân mình. Chủ trương này được xem là giáo pháp sơ cấp của đức Phật vì sau đó Ngài giảng giáo pháp toàn vẹn hơn, đó là giáo pháp Đại thừa. (Từ điển Phật học Đạo Uyển).
15) Cóc hay: Hiểu biết, giác ngộ (Từ Điển Từ Cổ).
16) Sá: Từ biểu thị ý định phủ định dứt khoát (Từ Điển Từ Cổ).
17) Bảo sở: (寶所) (Thuật ngữ Phật giáo) Bảo sở là nơi chứa những châu báu, như Niết Bàn Vô Dư—The place of precious things, i.e. the perfect Nirvana. Bảo sở (寶所) đối lại với Hóa thành (化城), là chỗ ở quý báu, thí dụ Niết bàn cùng tột. Bảo sở, tức thí dụ Niết bàn của Đại thừa, trỏ nơi đích thực chứng ngộ an trú. [X. kinh Pháp hoa phẩm Hóa thành dụ] (Phật Quang Đại Từ Điển).
18) Hóa thành: (化城) (Thuật ngữ Phật giáo) Thành phố ảo tưởng trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa; là Niết bàn tạm thời và không hoàn toàn trong trường phái Tiểu thừa, thí dụ: Niết bàn của Tiểu thừa, ở gần nhưng chưa phải là đích thực (Từ điển Phật học Việt Anh – Thiện Phúc).
19) Thượng Sĩ: (Thuật ngữ Phật giáo) (上士), cũng gọi là Đại sĩ (大士). Tên khác của Bồ tát. Bồ tát xa lìa mê chấp tà kiến, thấy pháp lý chân chính, là bậc tu hành viên mãn hạnh lợi mình lợi người, cho nên gọi là Thượng sĩ. Sách Thích thị yếu lãm quyển thượng (Đại 54, 261 thượng) ghi: “Luận Du già nói: Người không tu hạnh lợi mình, lợi người gọi là Hạ sĩ; người có tu hạnh lợi mình mà không tu hạnh lợi người, gọi là Trung sĩ; còn người tu hành cả 2 hạnh lợi mình và lợi người thì gọi là Thượng sĩ.” (Phật Quang Đại Từ Điển).
20) Ghẽ: Khẻ ra, chia rẽ; Ghẽ phân: Phân biệt (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao. Chiền (21) vắng am thanh, chỉn thật (22) cảnh đạo nhân (23) du hý.
21) Chiền: Chùa (Từ Việt hóa chữ Thiền 禪) (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).
22) Chỉn thật: Vốn thiệt (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị)
23) Đạo nhân: Người hành đạo.

Ngựa cao tán (24) cả (25), Diêm Vương nào kể đứa nghênh ngang. Gác ngọc lầu vàng, ngục tốt (26) thiếu chi người yêu quý.
24) Tán: Cái dù.
25) Cả: Lớn hơn hết, trọng hơn hết; khắp hết, hết thảy.
26) Ngục tốt: (獄卒) Lính canh gác ngục thất

Vững (27) công danh, lồng (28) nhân ngã (29), thật ấy phàm ngu. Say đạo đức, dời thân tâm (30), định nên thánh trí.
27) Vững: Bền bỉ, chắc chắn (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), giữ chặt, giữ vững, đeo bám.
28) Lồng: Cho vào trong, chồng cái nầy lên cái kia (Việt Nam Tự Điển)
29) Nhân ngã: Người với ta.
30) Dời thân tâm: Chuyển hóa thân tâm.

Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt bằng nhau. Mặt thánh lòng phàm, thật cách nhẫn (31) vàn vàn (32) thiên lý (33).
31) Nhẫn: Đến. Từ ấy nhẫn nay (Việt Nam Tự Điển).
32) Vàn vàn: Hàng vạn, vàn: âm đọc trệch ra của chữ Vạn (萬).
33) Thiên lý: Ngàn dặm.

Kệ vân (34): Cư trần (35) lạc đạo (36) thả (37) tùy duyên Cơ tắc xan hề khốn tắc miên Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch Đối cảnh (38) vô tâm (39) mạc vấn thiền (40)
34) Kệ vân: Bài kệ ghi rằng
35) Cư trần: Sống trong đời, ở đời.
36) Lạc đạo: Vui với đạo.
37) Thả: Hãy.
38) Đối cảnh: Đối mặt với cảnh tượng trước mắt
39) Vô tâm: (Thuật ngữ Phật giáo) (無心) Không khởi vọng tâm tức là vô tâm. Vô tâm là vô vọng tâm hay vô vọng tưởng, không còn phân biệt phàm thánh, thiện ác, đẹp xấu, lớn nhỏ, không có tâm chấp trước, vướng mắc vào các sự vật,.. Nói cách khác là không dấy khởi vọng niệm phân biệt. Tông Kính Lục chép: “Nhược bất khởi vọng tâm, tắc năng thuận giác, sở dĩ vân: Vô tâm thị đạo.” (Phật Quang Đại Từ Điển).
Xem thêm: Học giả Trần Đình Hoành giải thích: “Vô tâm” cũng có nghĩa là “vô niệm”. Tức là không để tư tưởng của mình dính mắc vào đâu, bám cứng vào đâu. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, lục tổ Huệ Năng nói về vô niệm: “Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp [mà] tâm không nhiễm trước, gọi là VÔ NIỆM, dùng thì khắp nơi, cũng chẳng dính mắc ở khắp nơi… đi lại tự do, ứng dụng vô ngại… tự tại giải thoát, gọi là hạnh VÔ NIỆM.” (Pháp Bảo Đàn Kinh, Phẩm Bát Nhã,Thích Duy Lực dịch, có tại Thư viện Hoa Sen, xem ngày 8 tháng 1, 2015).
Ví dụ: Thấy hoa hồng — đó là “thấy hoa hồng như nó là”, không dính mắc, vô tâm, vô niệm. Thấy hoa hồng “đẹp” là bắt đầu dính mắc vào tâm phân biệt đẹp xấu. Thấy hoa hồng có lẽ giúp mình làm giàu, đó là lại càng dính mắc vào dòng tư tưởng của mình.
Tâm không phân biệt, không dính mắc vào đâu, là vô tâm, hay vô niệm.
Thiền sư Takuan Soho viết: “Khi đạt được vô niệm hay vô tâm, tâm di chuyển từ đối tượng này sang đối tượng kia, trôi chảy như một dòng nước, làm đầy tất cả mọi góc. Vì vậy, tâm có thể làm trọn mọi công việc tâm được đòi hỏi phải làm. Nhưng khi dòng chảy bị chận đứng tại một điểm, tất cả mọi điểm khác không nhận được gì từ tâm, và kết quả là một sự đông cứng và ngừng trệ tổng quát.” (Xem http://www.dailyzen.com/zen/zen_reading29.asp)
40) Kệ rằng:
Sống đời vui đạo hãy tùy duyên, 
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền. 
Trong nhà có báu, đừng tìm nữa. 
Nhìn cảnh, vô tâm, hỏi chi thiền (Nguyễn Hữu Vinh dịch)

(Nguyễn Hữu Vinh đọc nôm và chú thích)


Viết lại bằng tiếng Việt hiện đại

Sống đời vui đạo
Phần 10

Vậy đại chúng,
Chỉ cần biết Không, dùng theo căn cơ
Vì lòng ta còn vướng mắc khó thông Lẽ nào pháp tổ nay còn bí tắc
Chúng Tiểu thừa chưa hiểu biết tới, Phật chẳng ngăn Bảo sở Hóa thành Bậc thượng sĩ chứng thật mà đạt, ai chia phân núi đồi thành thị
Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi ẩn sĩ thong dong Chùa vắng am thanh, chính nơi tìm vui của người hành đạo
Ngựa cao lọng lớn, Diêm Vương nào kể đứa nghêng ngang Gác ngọc lầu vàng, lính ngục thiếu chi người yêu quý
Vững công danh, phồng nhân ngã, đó thật phàm phu Say đạo đức, chuyển thân tâm, tạo thành thánh trí
Mày ngang mũi dọc, tướng khác nhau nhưng vẫn bằng nhau Mặt thánh lòng phàm, thật cách xa đến hằng triệu dặm
Kệ
Sống đời vui đạo hãy tùy duyên, Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền. Trong nhà có báu, đừng tìm nữa, Nhìn cảnh, vô tâm, hỏi chi thiền (Nguyễn Hữu Vinh dịch)

(Trần Đình Hoành viết lại)


Dịch sang tiếng Anh

Living in the World, Joyful in the Way
Part 10

Hence everyone, Only know Sunyata, using your capacity
For our hearts are still tangled, hard to flow through Not that the patriarch’s teachings are still fettered
The Theravada folks do not understand enough, the Buddha does not separate Phantom City from Treasure House Practitioners with high capacity gain real experience and attain Enlightenment, who would discriminate mountains from cities
Wild mountains, desolate forests, in which places the hermits are at ease Quiet temples, still hermitages, those are where spiritual practitioners find enjoyment
Tall horses, big parasols, King of Hell respects not the arrogant Jade towers, gold mansions, prison guards have lots of admirers
Solid title and fame, puffy me-and-them, that is truly ignorant Devoted to morality, improving body and mind, that is forming the mind of a saint
Eyebrows and nose, though different we are indeed equal Saintly face but ignorant heart, there a million miles in between
Concluding Poem
Living in the world, joyful in the way let’s go with the causation flow When hungry, eat when sleepy, sleep Jewels in the home search no more Facing things, no mind why ask for Ze

(Trần Nhân Tông, Founder of Trúc Lâm Zen School Trần Đình Hoành translated)







Comments

Popular posts from this blog

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ tư

Cư trần lạc đạo phú — Hội thứ nhất